3 nguyên tắc tối ưu hóa đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đại học

Trong khoảng thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng, việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng sao cho tối ưu nhất là điều mà bất cứ thí sinh nào cũng cần lưu ý. Dưới đây là 3 nguyên tắc quan trọng giúp các bạn tối ưu hóa đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng. Cùng theo dõi nhé!

LƯU Ý KHI ĐĂNG KÝ, ĐIỀU CHỈNH NGUYỆN VỌNG

Theo thay đổi mới từ năm 2022 của Bộ giáo dục và Đào tạo, thí sinh chỉ có duy nhất một đợt đăng ký nguyện vọng với số lượng nguyện vọng và số lần điều chỉnh không giới hạn. Việc đăng ký sẽ được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống tuyển sinh của Bộ giáo dục và Đào tạo. Các nguyện vọng thí sinh đăng ký sẽ được sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nguyện vọng 1 sẽ là nguyện vọng ưu tiên cao nhất, giảm dần theo thứ tự.

Nguyện vọng thí sinh đăng ký sẽ được thể hiện thông qua lựa chọn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (các bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn của bộ Giáo dục và Đào tạo) gồm có:

  • Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng, số 1 là nguyện vọng được ưu tiên nhiều nhất
  • Lựa chọn về cơ sở đào tạo, trường tuyển sinh (mã trường)
  • Lựa chọn theo ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo (mã ngành)
  • Lựa chọn theo phương thức tuyển sinh (mã phương thức)
  • Lựa chọn theo tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với các phương thức xét tuyển dựa trên điểm bài thi/môn thi hoặc xét tuyển dựa trên điểm trung bình các môn học THPT.
Lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng

3 NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý GIÚP TỐI ƯU HÓA NGUYỆN VỌNG

Nguyên tắc 1: Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn từ cao xuống thấp

Có những bạn học sinh tới nay vẫn chưa nắm rõ về cách sắp xếp nguyện vọng, vì vậy dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc. Ví dụ có bạn gửi thắc mắc muốn học ngành Y đa khoa nhưng khả năng bạn thấy chỉ có thể đỗ Y Hải Phòng nên định đưa Y Hải Phòng lên nguyện vọng 1 còn Y Hà Nội xếp làm nguyện vọng 2 thì có được không?

Các bạn cần phải lưu ý, theo nguyên tắc tuyển sinh năm 2022 thì điểm thi là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy dù cho mục tiêu của bạn ở mức thấp thì bạn vẫn nên xếp ngành điểm cao lên trên đầu khi đăng ký nguyện vọng. Ví dụ trong trường hợp cụ thể trên, giả sử Y Hải Phòng lấy 24 điểm, Y Hà Nội là 27 điểm, thì khi bạn đặt nguyện vọng như ở trên, dù bạn đạt được 29 điểm thì bạn cũng chỉ có thể đỗ Y Hải Phòng. Do bạn đặt Y Hải Phòng là nguyện vọng 1, khi đó trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2. 

Đừng bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào cho bản thân, hãy xếp ngành có điểm cao lên làm nguyện vọng 1 bạn nhé!

Nguyên tắc 2: Rải nguyện vọng cách đều điểm mục tiêu

Theo các thầy cô cho biết, có khá nhiều bạn đăng ký nguyện vọng đại học không hợp lý, khoảng cách giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 có khi lên tới 3 điểm. Ví dụ nguyện vọng 1 là ngành có điểm chuẩn 24 vào năm ngoái, nguyện vọng 2 điểm chuẩn là 21. Điều này cho thấy các bạn hoàn toàn không hiểu gì về những thuận lợi khi đăng ký nguyện vọng mà Bộ đã tạo điều kiện cho các bạn. Các bạn đang tự làm mất đi lợi thế của mình.

Do các bạn được chọn nguyện vọng không giới hạn, hãy lấy mức điểm dự kiến mình đạt được làm điểm chuẩn, sau đó chọn các nguyện vọng quanh mức điểm này, chỉ nên chênh lệch từ 0.5 – 1 điểm để tăng thêm cơ hội đỗ cho mình.

Ví dụ điểm dự kiến của bạn là 24. Bạn hãy chọn các nguyện vọng có mức điểm từ 21.5 – 26.5, trong đó nguyện vọng 1 là 26.5, nguyện vọng 2 là 26,… thấp dần về sau. Đây chính là khoảng cách an toàn đủ để các bạn chớp lấy may mắn và đề phòng mọi rủi ro có thể xảy ra.

Lưu ý 3 nguyên tắc quan trọng khi điều chỉnh NV

Nguyên tắc 3: Chỉ tập trung nguyện vọng vào 2 – 3 nhóm ngành liên quan

Nhiều bạn vẫn chưa biết hết về các ngành học của trường, vì vậy việc đăng ký nguyện vọng dựa trên sự yêu thích là rất cảm tính. Đừng tự bó buộc mình vào một ngành cụ thể, hãy chọn các nhóm ngành có liên quan tới nhau.

Ví dụ nếu bạn thích ngành Y thì có thể lựa chọn nhóm ngành như Răng hàm mặt, Y học cổ truyền,… Với ngành Công nghệ thông tin có thể lựa chọn thêm Tự động hóa, Điện tử viễn thông, với ngành Kế toán thì có thể chọn thêm Kiểm toán, Tài chính ngân hàng, Bảo hiểm, với ngành Công nghệ sinh học có thể chọn thêm Thực phẩm, Môi trường,… Điều này sẽ giúp các bạn hình dung được rộng hơn công việc trong tương lai và có định hướng tốt hơn.

Bên cạnh đó bạn cũng cần đánh giá được năng lực của mình để lựa chọn ngành phù hợp. Đừng lựa chọn ngành hot theo xu hướng trong khi bản thân lại hoàn toàn không hiểu gì về nó. Hãy tìm hiểu 2 – 3 nhóm ngành liên quan khi đăng ký nguyện vọng. Chọn trường nằm trong top đầu, có danh tiếng, đào tạo chuyên sâu về ngành đó.

Ví dụ với ngành Công nghệ thông tin thì có thể tham khảo Đại học Bách khoa, Công nghệ ĐH Quốc Gia, ngành Kế toán thì có thể tham khảo trường Học viện ngân hàng, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, HV Tài chính,…

Tuy nhiên các trường top đầu thì điểm chuẩn thường rất cao. Vì thế hãy dự phòng thêm phương án 2, phương án 3 nữa nhé.

Hy vọng những chia sẻ về 3 nguyên tắc giúp tối ưu hóa đăng ký điều chỉnh nguyện vọng đại học sẽ giúp bạn lựa chọn ngành học tốt hơn. Chúc các bạn chọn được trường và ngành học phù hợp theo đúng đam mê và năng lực của mình nhé!