5 lưu ý khi đăng ký ngành Kinh tế quốc tế

Trước khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng về các lựa chọn ngành học. Với ngành Kinh tế quốc tế, hãy nắm rõ 5 tiêu chí cốt lõi dưới đây để xem có nên đăng ký học hay không nhé!

ĐỊNH NGHĨA

Hiểu một cách đơn giản, Kinh tế quốc tế là ngành học nghiên cứu sự liên kết qua lại, phụ thuộc và tác động lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Đây là một ngành học khá năng động và mang tính toàn cầu. Bạn sẽ được tiếp thu những kiến thức chung về kinh doanh, chiến lược kinh doanh xuyên suốt giữa các quốc gia. Ngành học này ngày càng được quan tâm nhiều hơn kể từ khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. 

5 LƯU Ý TRƯỚC KHI ĐĂNG KÝ NGÀNH

Không được nhầm lẫn với ngành Kinh doanh quốc tế

Có nhiều bạn vẫn còn nhầm lẫn giữa 2 ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế. Nguyên nhân do 2 ngành học này đều có điểm chung nghiên cứu về mối quan hệ giao thương giữa các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra chúng cũng có tên gọi gần như nhau. Tuy nhiên xét về bản chất, 2 ngành học này hoàn toàn khác biệt.

  • Kinh tế quốc tế thiên về chính sách kinh tế thương mại, đối ngoại, logistics, xuất nhập khẩu,… Tập trung nhiều vào 2 mảng là tài chính quốc tế và thương mại quốc tế.
  • Kinh doanh quốc tế thiên về phân tích, hoạch định các chiến lược cho các bộ phận trong công ty. Tập trung nhiều vào quản trị tài chính, rủi ro, nhân sự, marketing doanh nghiệp.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Theo như mục trên, nhiều người sẽ cho rằng chuyên ngành về kinh tế này có đầu ra khá nghèo nàn, do nó chỉ tập trung nhiều vào các chính sách kinh tế. Tuy nhiên ngoài các công việc thiên về nghiên cứu, ngành này còn có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp trong doanh nghiệp cho sinh viên.

Bạn sẽ được đào tạo các kiến thức về quản trị kinh doanh, chính sách kinh tế đối ngoại như cách xâm nhập thị trường nước ngoài, cách xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, chống bán phá giá, kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế,…

Ngoài ra là các kiến thức về luật quốc tế, quản trị nhân lực quốc tế, hậu cần xuất nhập khẩu, bảo hiểm ngoại thương,… các kỹ năng giao tiếp, đàm phán quốc tế. 

Tất cả những kiến thức này đều có thể sử dụng để làm việc trong các tổ chức doanh nghiệp. Một số vị trí nghề nghiệp tại các cơ quan nhà nước như:

  • Nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu Kinh tế, các trường đại học cao đẳng
  • Là chuyên viên tư vấn đầu tư, hoạch định tài chính,… tại các tập đoàn đa quốc gia
  • Nhân viên xuất nhập khẩu,…

Chỉ có ngoại ngữ là chưa đủ

Theo học chuyên ngành này, chắc chắn bạn cần thành thạo nghe – nói – đọc – viết và hiểu về tiếng Anh kinh tế. Tuy nhiên chỉ mới có ngoại ngữ là chưa đủ để học ngành học này. Bạn cần có thêm một số tố chất khác như: 

  • Kiên trì nhẫn nại: Chuyên ngành này cần đi sâu về các chính sách kinh tế nên bạn cần nắm chắc kiến thức về kinh tế, lịch sử kinh tế, các nghiệp vụ khác như bảo hiểm, thuế, xuất nhập khẩu,… Đây là lượng kiến thức rất lớn đòi hỏi bạn phải có sự nhẫn nại cao trong học tập. Ngoài ra khi đàm phán kinh tế với các đối tác nước ngoài có thể kéo dài rất lâu. Bạn sẽ cần có sự tỉnh táo, kiên trì để đảm bảo sự thành công của cuộc đàm phán, mang lại những lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp.
  • Khả năng thu thập, xử lý thông tin: Bạn cần thành thạo về kỹ năng tìm kiếm thông tin, chọn lọc các kiến thức bổ ích, cập nhật các xu hướng nhanh chóng để đạt được thỏa thuận kinh tế tốt nhất.
  • Khả năng đàm phán, thuyết phục: Giao tiếp tốt là một kỹ năng cực kỳ cần thiết để đạt được các thỏa thuận kinh tế có lợi cho doanh nghiệp của bạn.
Cơ hội rộng mở khi theo ngành kinh tế quốc tế

Cơ hội cao cho các bạn học khối tự nhiên

Mặc dù đặc thù công việc có yêu cầu cao về khả năng ngoại ngữ tuy nhiên chuyên ngành này vẫn có xét tuyển theo khối tự nhiên. Bởi lẽ ngành học này cũng rất cần khả năng tư duy logic, óc phán đoán tốt.

Các khối xét tuyển chuyên ngành Kinh tế quốc tế gồm có:

A00: Toán – Vật lý – Hóa học

A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh

D01: Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh

D03: Toán – Ngữ văn – Tiếng Pháp

D07: Toán – Hóa học – Tiếng Anh

Có thể nói trong thời đại toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, Kinh tế quốc tế phát triển cũng chính là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy nhu cầu nhân lực của ngành này rất cao. Hy vọng qua những phân tích trên đây sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ phù hợp từ đó có lựa chọn đăng ký xét tuyển tốt nhất cho bản thân.