Bí quyết tận dụng Atlat – Chiếc phao cứu sinh khi thi Địa lý

Tài liệu duy nhất mà các bạn thí sinh có thể mang vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là Atlat Địa lý Việt Nam. Đây được coi là Cuốn sách tổng hợp các kiến thức Địa lý cần thiết và cực hữu ích cho các bạn thí sinh trong bài thi môn Địa lý nếu như biết cách sử dụng. Vậy làm thế nào để tận dụng tài liệu quý giá này? Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Atlat Địa lý Việt Nam là một cuốn sách có nhiều tập bản đồ sắp xếp lại với nhau, có sử dụng nhiều các ký hiệu, màu sắc, số liệu,… thể hiện các mặt tự nhiên, dân số, kinh tế, xã hội của nước ta.

Bài thi môn Địa lý theo tiêu chuẩn Bộ giáo dục và Đào tạo thường bám sát kiến thức trong sách giáo khoa và cần có sử dụng Atlat làm căn cứ trả lời câu hỏi. Vì thế thí sinh nên tận dụng các câu hỏi có yêu cầu vận dụng Atlat để lấy điểm. Ngoài ra với những câu không yêu cầu dùng Atlat các bạn vẫn có thể dùng để suy luận ra câu trả lời.

TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI VẬN DỤNG ATLAT TRƯỚC TIÊN

Những câu hỏi yêu cầu sử dụng Atlat Địa lý đều là các câu hỏi đơn giản và dễ gỡ điểm. Các bạn hãy làm theo các bước dưới đây để dành điểm tuyệt đối nhé!

  • Đọc kỹ để nắm thật chắc nội dung câu hỏi, tránh hiểu sai ý
  • Tìm đúng trang Atlat mà đề yêu cầu dựa vào để trả lời câu hỏi
  • Vận dụng các kỹ năng đã có để quan sát bản đồ như nhận biết, đọc tên đúng đối tượng, xác định vị trí, số liệu, mối quan hệ,…
  • Khai thác các ký hiệu thông tin có trong Atlat
  • Kết hợp tất cả các bước phía trên để tìm ra đáp án

CHỦ ĐỘNG SỬ DỤNG ATLAT ĐỊA LÝ

Mặc dù Atlat là tài liệu cho phép được cầm vào phòng thi, tuy nhiên các bạn thí sinh vẫn cần có sự chuẩn bị trước về cách sử dụng, đọc hiểu Atlat. Tuyệt đối không nên phụ thuộc Atlat bởi cuốn sách này cần có sự nghiên cứu và tìm tòi để hiểu chứ không nêu rõ từng kiến thức như trong sách giáo khoa.

Nắm rõ cấu trúc Atlat

Atlat gồm có cấu trúc 4 phần tương ứng với 4 chương trong sách giáo khoa: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, địa lý các vùng kinh tế, địa lý các ngành kinh tế.

Nội dung cụ thể trong sách Atlat như sau:

  • Trang 3: Tổng hợp các ký hiệu bản đồ sử dụng trong Atlat
  • Trang 4, 5: Hình vẽ phạm vi lãnh thổ, đơn vị hành chính, thành phố trực thuộc trung ương, dân số, diện tích
  • Trang 6 – 14: Kiến thức thuộc phần Địa lý tự nhiên
  • Trang 15, 16: Kiến thức về Địa lý dân cư
  • Trang 17 – 25: Kiến thức về cách ngành kinh tế. Cụ thể trang 17 là kiến thức kinh tế chung, trang 18 – 20 kinh tế nông nghiệp, trang 21, 22 kinh tế công nghiệp, trang 23 – 25 các ngành dịch vụ
  • Các trang còn lại là kiến thức về các vùng kinh tế trọng điểm

Khi hiểu rõ nội dung và cấu trúc của Atlat, các bạn sẽ chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và tiết kiệm thời gian làm bài hơn.

Ghi nhớ các điểm đặc điểm trong cuốn Atlat

Để tiết kiệm thời gian thi cũng như không bị lúng túng khi tiếp cận câu hỏi đọc hiểu Atlat, 

thí sinh cần luyện đọc Atlat thường xuyên trong một thời gian dài trước khi thi. Ví dụ với câu hỏi về khoáng sản, thí sinh cần biết kiến thức đó nằm ở trang nào, bản đồ như thế nào. Dưới đây là một số điểm các bạn cần ghi nhớ để có thể đọc Atlat một cách thuần thục trong phòng thi:

  • Học thuộc ký hiệu chung ở trang 3 để không bị mất thời gian tra cứu, những ký hiệu này đều mô phỏng từ thực tế gần gũi nên ghi nhớ khá nhanh.
  • Nhớ được tên tỉnh thành, phân biệt tên tỉnh thành với tên thành phố. Tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có màu đỏ, ghi in hoa. Còn thành phố thuộc tỉnh thì chữ màu đen, font chữ nhỏ hơn. Tên tỉnh thành được ghi rõ ở trang 4 và trang 5.
  • Nhớ được 7 vùng kinh tế, 7 vùng nông nghiệp
  • Đọc kỹ lại ghi chú trong Atlat vì nhiều khi câu trả lời nằm trong ghi chú mà có thể bạn không để ý. Ngoài ra lưu ý thêm các số liệu tại biểu đồ cũng như lát cắt kèm theo.

Biết liên kết logic mối tương quan giữa các đối tượng Địa lý

Trên thực tế không phải ai cũng có thể hiểu hết các con số, ký tự trong Atlat. Vì vậy bạn cần lắng nghe sự hướng dẫn của giáo viên, kết hợp với tư duy của bản thân để đọc hiểu cuốn sách này. Mỗi trang Atlat đều thể hiện một chủ đề khác nhau như khí hậu, kinh tế, khoáng sản, xã hội,… bạn cần hiểu được sự tăng giảm, mối tương quan giữa các yếu tố trên để trả lời các câu hỏi trong đề thi.

Ví dụ khí hậu ảnh hưởng gì tới kinh tế và xã hội? Khoáng sản mỗi năm tăng giảm ra sao?

Bên cạnh đó các bạn cũng cần chuẩn bị kiến thức về so sánh, xác định vị trí, đọc vị biểu đồ,… để trả lời câu hỏi vận dụng.

Ví dụ về biểu đồ

Sử dụng kết hợp nhiều trang để trả lời câu hỏi trong đề thi

Có nhiều câu hỏi không yêu cầu vận dụng Atlat mà mang tính tư duy bạn vẫn hoàn toàn có thể quan sát và phân tích theo Atlat để trả lời. Ví dụ câu hỏi về đồng bằng sông Hồng, thí sinh phải kết hợp bản đồ về địa hình, đất đai, khí hậu, kinh tế, dân cư,… của đồng bằng sông Hồng để có cái nhìn tổng quát. 

Để làm được điều đó thí sinh phải khai thác được kiến thức và số liệu từ biểu đồ trong Atlat. Nhờ đó có những câu hỏi tưởng như phải học thuộc mới có thể trả lời thì nhờ vào Atlat thí sinh có thể đưa ra đáp án nhanh và chính xác.

Để thành thạo sử dụng Atlat, bạn hãy rèn luyện chăm chỉ qua luyện đề, giải đề theo các trang Atlat, tham khảo câu hỏi về kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam.

Có thể nói Atlat Địa lý là trợ thủ đắc lực cho các bạn thí sinh trả lời tốt câu hỏi mà không cần học thuộc mất thời gian. Chỉ cần bạn biết cách sử dụng, Atlat sẽ thực sự là người bạn đáng tin cậy đồng hành cùng bạn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý sắp tới.