Giải đáp: Thế nào là từ đồng nghĩa? 

Từ đồng nghĩa là một khái niệm quen thuộc đối với các bạn học sinh khi đi học. Vậythế nào là từ đồng nghĩa? Từ đồng nghĩa khác với các loại từ khác như thế nào?

THẾ NÀO LÀ TỪ ĐỒNG NGHĨA?

Từ đồng nghĩa hiểu theo một cách đầy đủ, dễ hiểu nhất là những từ có ý nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau, tương tự nhau. Ở nhiều trường hợp, các từ đồng nghĩa có thể thay thế hoàn toàn cho nhau mà không làm mất đi ý nghĩa hay cấu trúc câu. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần phải cân nhắc về sắc thái biểu cảm và hoàn cảnh diễn đạt.

Một số ví dụ về từ đồng nghĩa thông dụng:

  • Ba – bố – thầy – Tía: Đây là cách xưng hô dành cho người nam sinh ra mình, tùy theo từng vùng miền sẽ có các cách gọi khác nhau. Ví dụ: Miền Bắc gọi là Bố, miền Nam- Trung gọi là Ba, Tía, xã hội xưa gọi là Thầy.
  • Mẹ – u – má: Đây là cách xưng hô dành cho người giới tính nữ sinh ra mình. Miền Bắc thường gọi là mẹ, miền Trung gọi u, miền Nam gọi má.
  • Chết – hy sinh – mất: Cùng ý nghĩa nói về một người, một loài động vật mất khả năng sống, không còn biểu hiện của sự sống nữa, các cơ quan trong cơ thể đã ngừng hoạt động.  
  • Siêng năng – chăm chỉ – cần cù – cần mẫn: Chỉ một đức tính tốt đẹp của con người.

PHÂN LOẠI CÁC TỪ ĐỒNG NGHĨA

Trong tiếng Việt, còn rất nhiều các từ đồng nghĩa khác, chúng ta có thể phân loại một số từ đồng nghĩa như sau:

– Đồng nghĩa hoàn toàn

Được gọi là đồng nghĩa hoàn toàn khi những từ vựng mang ý nghĩa hoàn toàn giống nhau, chúng có thể thay thế hoàn toàn cho nhau trong mọi trường hợp.

Ví dụ: Thấp – Lùn => Bạn Hà lùn nhất nhà = Bạn Hà thấp nhất nhà.

Những chàng lính cứu hỏa thật dũng cảm = Những chàng lính cứu hỏa thật gan dạ.

– Đồng nghĩa không hoàn toàn 

Dùng để chỉ các cặp từ có các nghĩa gần giống nhau, giống nhau nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm hoặc chỉ dành riêng cho những trường hợp đặc biệt.  

Ví dụ: Chết – Hy sinh – Thiệt mạng => Đều là 3 từ chỉ sự kết thúc sự sống nhưng cách sử dụng lại khác nhau.

  • Chết: dùng cho đa dạng các trường hợp. => Dịch bệnh làm chết 200 người trong 1 tuần.
  • Hy sinh: chỉ dùng cho trường hợp nói về cái chết ý nghĩa, chết vì Tổ quốc, dành cho những người lính, quân đội, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, nhân dân => Đã có 3 người lính cứu hỏa hy sinh anh dũng ngày hôm qua. Nếu sử dụng “Đã có 3 người lính cứu hỏa chết anh dũng ngày hôm qua” ý nghĩa dù không thay đổi nhưng cách diễn đạt thiếu trang trọng, không phù hợp.
  • Thiệt mạng: thường sử dụng trong hoàn cảnh nói về cái chết vì thiên tai, vì tác động bất ngờ bên ngoài => Đã có 5 người thiệt mạng do lũ cuốn trôi.

Ví dụ: Yếu đuối – Yếu ớt: Đều nói về sự “yếu” nhưng yếu đuối nói về sự thiếu hụt sức mạnh tinh thần hoặc thể thức, còn từ yếu ớt thể hiện sự thiếu về sức khỏe.

PHÂN BIỆT TỪ ĐỒNG NGHĨA VÀ TRÁI NGHĨA

Cách phân biệt này rất đơn giản và dễ nhận biết. Từ đồng nghĩa có nghĩa tương đương nhau, từ trái nghĩa có nghĩa trái ngược nhau. 

Ví dụ về từ trái nghĩa: Thật thà – dối trá, vui vẻ – buồn bã, hiền lành – hung dữ, nhanh nhẹn – chậm chạp, cao – thấp,…

PHÂN BIỆT TỪ ĐỒNG NGHĨA VÀ TỪ NHIỀU NGHĨA

Từ nhiều nghĩa trong tiếng Việt là từ có nhiều lớp ý nghĩa gồm cả nghĩa gốc và nghĩa chuyển, chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. 

Ví dụ với các từ: Miệng cười tươi, miệng rộng thì sang, miệng túi, nhà có 4 miệng ăn.

Cùng 1 từ “miệng” nhưng có nhiều lớp ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:

  • Nghĩa gốc: Chỉ miệng – 1 bộ phận dùng để nói, cười, phát ra âm thanh của con người, là 1 bộ phận trên cơ thể =>. Miệng cười tươi, miệng rộng thì sang
  • Nghĩa chuyển: là cặp từ Miệng túi và nhà có 4 miệng ăn. Miệng túi là chỗ mở ra của một vật có chiều sâu; miệng ăn ẩn dụ về số lượng các thành viên trong gia đình, mỗi người là một miệng – gọi là đơn vị để tính toán, cụ thể ở đây là 4 người. 

Trên đây là bài Giải đáp: Thế nào là từ đồng nghĩa?. Các bạn học sinh hãy nắm rõ khái niệm, tự lấy ví dụ và phân tích để hiểu rõ hơn về chủ đề này nhé! Chúc các bạn học tốt!