Hướng dẫn cách làm văn nghị luận xã hội lớp 9 trong 5 BƯỚC

Cách làm văn nghị luận xã hội lớp 9 là chủ đề được rất nhiều bạn học sinh quan tâm. Bởi trong kỳ thi vào lớp 10 môn Văn, bài thi sẽ có câu nghị luận chiếm số điểm tương đối nhiều. Vậy chúng ta phải làm dạng đề này như thế nào?

CÁCH LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT TƯ TƯỞNG – ĐẠO LÍ – CÂU NÓI

Đây là những câu hỏi kiểm tra khả năng tư duy, nêu lên quan điểm của bản thân về 1 quan niệm, câu nói, câu danh ngôn, tục ngữ, ca dao hoặc đoạn văn được trích dẫn. Thông thường với các bạn học sinh lớp 9, lớp 10, các chủ đề thường xoay quanh:

– Gia đình (tình cảm gia đình, cha mẹ, anh chị em, sự đùm bọc)

– Nhà trường (quan niệm học hành, rèn luyện, các mối quan hệ khác như tình thầy trò, tình bạn)

– Tình yêu 

– Xã hội (tình đồng bào, lòng yêu nước)

– Nhận thức về đạo đức (bệnh vô cảm, nói tục, dối trá, bạo lực học đường)

Các bạn học sinh có thể triển khai theo 5 bước sau:

Bước 1: Giải thích câu nói hoặc trả lời trực tiếp (ngắn gọn vài dòng)

Phần này thường sẽ trả lời cho câu hỏi là gì, như thế nào… Chúng ta cần tìm và giải thích ý nghĩa của câu nói dựa trên các từ khóa; giải thích ý nghĩa, hoàn cảnh cụ thể trong cả câu nói nếu có kiến thức chính xác. Qua đó rút ra ý nghĩa chung hoặc bày tỏ quan điểm về tư tưởng đạo lý.

Bước 2: Phân tích mặt trái/phải, ý nghĩa sâu xa của câu nói

Học sinh trả lời trực tiếp câu hỏi tại sao vấn đề này lại đúng hoặc không đúng, không phù hợp. Sau khi khẳng định, hãy phân tích lý do dựa vào việc lấy dẫn chứng, ví dụ minh họa để lập luận và thuyết phục người đọc.

Bước 3: Bác bỏ hoặc không đồng tình với ý kiến (nếu không đồng tình)

Đây là phần tuy khó nhưng thể hiện được bản lĩnh của người viết, nếu làm tốt bài thi sẽ gây được ấn tượng mạnh với người chấm thi và giành được điểm số cao. Chúng ta có thể bác bỏ bằng cách lật ngược lại vấn đề, nhìn theo góc độ đa chiều, đặt vào nhiều vị trí, hoàn cảnh để xem xét. Sau đó đưa ra con số, dẫn chứng cụ thể. 

Bước 4: Kết luận, đánh giá vấn đề 

Kết luận vấn đề mang lại tính giá trị, đạo đức gì cho người đọc, cho xã hội, có còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không.

Bước 5: Bài học nhận thức và hành động cá nhân

Từ quan điểm tác giả, người viết rút ra bài học cho bản thân như: có thêm kiến thức, kỹ năng gì; sẽ làm gì trong tương lai; làm gì để thay đổi tốt hơn. Đặc biệt là hành động như thế nào đối với gia đình, những người xung quanh và xã hội.

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý

CÁCH LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

Nghị luận về hiện tượng đời sống hiểu đơn giản là bàn luận, nêu ý kiến, suy nghĩ, nhận xét về những vấn đề trong cuộc sống. Đó có thể là những vấn đề tích cực hoặc tiêu cực, đáng khen hoặc đáng chê. Với năng lực các em học sinh cấp 2, đề thi có thể là:

– Nghị luận về môi trường: ô nhiễm môi trường, trồng cây xanh, vứt rác, dọn rác

– Nghị luận về sử dụng mạng xã hội: nghiện facebook, nghiện chơi game. lười đọc sách…

– Nghị luận về tấm gương tiêu biểu: học sinh nghèo vượt khó, tình bạn, sự đoàn kết…

– Nghị luận về tâm lý: bệnh trầm cảm, sống tự ti, suy nghĩ tiêu cực

– Nghị luận về thói xấu: đua xe, bạo lực, quan hệ tình dục sớm, lười học, nói dối…

Nghị luận là dạng bài quan trọng trong chương trình Ngữ văn 9 học kỳ hai và thi vào 10 THPT mà học sinh cần lưu ý. Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống là bàn bạc, trình bày ý kiến, quan điểm về một sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tiễn đời sống. Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.

Bước 1: Giải thích/nhận định hiện tượng

Tìm và giải thích nghĩa của các từ khóa chính để nêu lên hiện tượng đó là gì, xấu hay tốt.  

Bước 2: Nêu hiện trạng đang diễn ra

Dựa vào thực tế đời sống để phân tích những hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, quy mô ra sao, đối tượng gồm những ai, mức độ ảnh hưởng đến gia đình, xã hội như thế nào. 

Bước 3: Lý giải nguyên nhân

Lập luận theo hai hướng là khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội, thời tiết, quy luật…) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người,tư duy con người, tài chính con người…). Nếu có kèm theo ví dụ, con số, dẫn chứng càng tốt.

Bước 4: Đánh giá hậu quả/ kết quả hoặc điều tích cực mang lại

Nếu là hiện tượng xấu nêu ra tính tiêu cực, là hiện tượng tốt nêu ra ảnh hưởng tích cực. Dù là tiêu cực hay tích cực cũng cần nêu ra 2 mặt và phân tích sâu vào vấn đề. Nếu là tiêu cực, cần sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, mang tính răn đe, loại bỏ, khai trừ, phản đối. Với sự vật hiện tượng ảnh hưởng tích cực, cần lan tỏa, công nhận, thể hiện sự đồng tình cùng năng lượng tích cực.

Bước 5: Giải pháp

Đưa ra giải pháp để ngăn chặn hiện tượng xấu; đưa ra phương án nhân rộng, khuyến khích mọi người cổ vũ với những hiện tượng tốt đẹp.  

Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Trên đây là 5 bước hướng dẫn các bạn học sinh cách làm văn nghị luận xã hội lớp 9. Các bạn dựa trên gợi ý để tập thực hành 1 vài đề thi và chấm theo barem điểm nhé! Chúc các bạn ngày càng tiến bộ.