Kỳ thi tốt nghiệp THPT với Đánh giá năng lực có gì khác nhau?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT với Đánh giá năng lực có gì khác nhau trong năm 2022? Các bạn hãy cùng Chính xác tổng hợp lại sự khác nhau giữa 2 kỳ thi này và những lưu ý quan trọng khi ứng tuyển.

KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT VÀ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CÓ GÌ KHÁC NHAU

1. Hướng tiếp cận, mục đích khác nhau

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi đánh giá sự đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng của học sinh cấp 3 để được công nhận tốt nghiệp cấp 3 và đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, du học theo nguyện vọng.

Kỳ thi đánh giá năng lực nhằm đánh giá từng nhóm năng lực riêng của thí sinh khi hoàn thành đầy đủ chương trình THPT như năng lực toán học, năng lực tư duy logic, năng lực khoa học xã hội…

2. Hình thức thi khác nhau

Thi đánh giá năng lực thông thường chỉ bao gồm 1 bài thi tích hợp duy nhất và làm trên máy tính. Nội dung bao gồm toàn bộ các kiến thức cơ bản, nâng cao và tổng hợp (như trường đại học Quốc gia Hà Nội). 

Thi đánh giá năng lực trên máy tính

Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì bao gồm các môn tự chọn và các môn thi bắt buộc. 3 môn bắt buộc: Toán, Văn, Anh (sắp tới môn tiếng Anh có thể thay thế bằng ngoại ngữ tự chọn). Môn tự chọn gồm: khoa học tự nhiên (sinh học, vật lý, hóa học), khoa học xã hội (địa lý, lịch sử, giáo dục công dân).

Tóm lại, Kỳ thi tốt nghiệp THPT với Đánh giá năng lực có gì khác nhau? 2 kỳ thi này khác nhau ở 2 điểm là mục đích tổ chức thi và hình thức thi.

KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỦA MỘT SỐ TRƯỜNG HIỆN NAY

Ngoài đại học Quốc gia Hà Nội là trường tiên phong xét tuyển thí sinh qua bài thi đánh giá năng lực, hiện nay cũng có rất nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển này để chọn lọc ra những thí sinh tiềm năng nhất. 

1. Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài thi năng lực gồm 150 câu hỏi, làm toàn bộ trên máy tính với thời gian là 195 phút. Mỗi câu hỏi trả lời đúng được 1 điểm và điểm tối đa tương ứng là 150 điểm. Đề thi gồm 3 phần:

– 50 câu hỏi về tư duy định lượng trong môn toán, kiến thức thống kê, xử lý số liệu: thời gian 75 phút.

– 50 câu hỏi về tư duy định tính trong văn học, ngôn ngữ: thời gian 60 phút

– 50 câu về tư duy khoa học tự nhiên/xã hội trong sinh, sử, địa, lý, hóa với thời gian 60 phút.

2. Đại học Bách khoa Hà Nội

Trường đánh giá tư duy thí sinh qua bài thi 2 phần với 270 phút làm bài như sau:

Phần bắt buộc:

+ Môn Toán – thời gian 90 phút: Tự luận 3 câu hỏi nhằm đánh giá khả năng trình bày, diễn giải, quy trình triển khai; trắc nghiệm khách quan, kiểm tra trí nhớ gồm 25 câu.

+ Đọc hiểu – thời gian 30 phút: Bài luận dài kiểm tra khả năng đọc hiểu về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ như năng lượng gió, năng lượng từ mặt trời…

– Phần tự chọn:

+ Khoa học tự nhiên – thời gian 90 phút: kiểm tra toàn bộ nội dung kiến thức trong chương trình THPT bao gồm 3 môn học Lý – Hóa – Sinh . 

+ Tiếng Anh – thời gian 60 phút: kiểm tra khả năng từ vựng, đọc hiểu, nghe của thí sinh. Có thể quy đổi được từ điểm IELTS.

Tư vấn xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội

3. Đánh giá năng lực với trường đại học Sư phạm Hà Nội 1

Trường đánh giá thí sinh qua các bài thi gồm các môn: Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử. Cụ thể:

– Toán: có 31 câu hỏi = 28 câu trắc nghiệm + 3 câu tự luận. Thời gian làm bài 90 phút.

– Ngữ văn: có 15 câu hỏi trắc nghiệm + 2 câu tự luận kiểm tra khả năng nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Thời gian làm bài 90 phút.

– Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý: có 29-30 câu hỏi gồm 28 câu trắc nghiệm + số còn lại là tự luận. Thời gian làm bài trong 60 phút.
Trên đây chúng tôi đã giải đáp thắc mắc Kỳ thi tốt nghiệp THPT với Đánh giá năng lực có gì khác nhau. Các thí sinh lưu ý nếu muốn sử dụng kết quả của kỳ thi năng lực này dùng làm kết quả xét tuyển đại học thì hãy tìm hiểu trước xem trường mình muốn học có cho phép sử dụng hay không. Sau đó mới làm thủ tục làm hồ sơ, đăng ký thi, làm bài thi.