Làm thế nào để việc học có hiệu quả thực sự?

Học có hiệu quả là một kỹ năng mà bất kỳ ai cũng đều có thể học được, bao gồm cả bạn. Trên thực tế, những thói quen xấu luôn đi kèm cùng thói quen tốt. Do đó bạn cần học cách loại bỏ những thói quen xấu làm ảnh hưởng tới việc học, chỉ tập trung vào những chiến lược tốt giúp cho việc học đạt hiệu quả cao. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn những bí quyết để học tốt hơn, cùng tham khảo nhé!

PHƯƠNG PHÁP 1: CẢI THIỆN HIỆU QUẢ HỌC TẬP

Làm các thẻ ghi chú cho thông tin quan trọng

Bạn có thể làm các thẻ ghi chú cho mọi chủ đề học tập. Đây cũng chính là công cụ cực kỳ hữu hiệu dành cho việc ôn lại kiến thức. Hãy sử dụng các thẻ ghi chú này cho việc học từ vựng tiếng Anh, công thức Toán học, các sự kiện Lịch sử, nhân vật Lịch sử cũng như tiến trình và dữ liệu khoa học,… Bạn có thể tự mình thiết kế các thẻ ghi chú này hoặc in thẻ tìm được trên mạng. Sau đó sử dụng chúng để tự kiểm tra kiến thức của mình.

  • Việc tự mình làm các thẻ ghi chú là việc vô cùng hữu ích giúp bạn ôn lại một lần nữa kiến thức cần học.
  • Hoặc để nhanh nhất bạn có thể tìm trên mạng, có rất nhiều các thẻ ghi chú làm sẵn về các chủ đề trên các trang web học tập.

Lập sơ đồ tư duy để sắp xếp lại các thông tin cần học

Sơ đồ tư duy sẽ giúp bạn liên kết hiệu quả các nội dung kiến thức cần ôn tập. Bạn có thể tạo sơ đồ tư duy bằng cách bắt đầu với một hình tròn, sau đó viết chủ đề vào đó. Tiếp theo vẽ thêm vài đường thẳng từ giữa vòng tròn và tạo thêm các vòng tròn ở cuối mỗi đường thẳng. Hãy viết những thông tin quan trọng liên quan tới chủ đề vào trong các vòng tròn. Sau đó tiếp tục vẽ thêm nhánh cho mỗi vòng tròn với các dữ kiện và chi tiết mới về chủ đề đó. Bạn có thể tham khảo các sơ đồ tư duy mẫu trên mạng để học tập cách người khác áp dụng phương pháp này sau đó tự tạo sơ đồ tư duy của riêng mình.

Sơ đồ tư duy giúp học tập hiệu quả

Tự kiểm tra để ôn lại những kiến thức đã học

Sau mỗi buổi học, bạn nên dành ra từ 15 – 20 phút để tự kiểm tra lại kiến thức đã học. Có thể làm các bài kiểm tra nếu có thể, hoặc lật mở các thẻ ghi chú để kiểm tra lại khả năng ghi nhớ thông tin của mình. Đây là một trong những cách giúp bạn nhớ dễ dàng những gì đã được học và xác định được đúng nội dung cần ôn tập lại.

  • Nên nhờ bạn bè hoặc người thân giúp kiểm tra lại kiến thức của bạn, để học đặt câu hỏi về một chủ đề nào đó và check đáp án cho câu trả lời mà bạn đưa ra.
  • Làm các bài thi thử bằng việc sử dụng các câu hỏi trong đề cương ôn tập hoặc các bài kiểm tra mẫu tham khảo trên mạng.
  • Nếu bạn trả lời không đúng hãy đọc kỹ lại đáp án để tìm ra nguyên nhân sai và rút kinh nghiệm cho những lần sau nhé.

Dạy lại kiến thức cho người khác giúp bạn hiểu rõ hơn những gì đã học được

Việc giải thích một vấn đề cho người khác hiểu sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn. Vì vậy hãy giảng giải lại những gì bạn đang học cho bạn bè của bạn. Ngoài ra hãy thử hỏi họ xem có câu hỏi nào khác có liên quan tới chủ đề đó nữa hay không và cố gắng giải đáp các thắc mắc cho họ.

  • Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi nào đó của bạn bè, hãy đi tìm câu trả lời để lấp đầy lỗ hổng kiến thức của bản thân nhé
  • Hãy luân phiên giảng dạy kiến thức cho bạn cùng lớp, như vậy cả 2 bạn sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn.

Kết hợp các hoạt động khác phù hợp với phương pháp học tập của bạn

Trong quá trình học bạn hãy tìm ra phương pháp học phù hợp nhất với mình. Những người học thông qua hình ảnh sẽ tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn so với người chỉ học qua nội dung lý thuyết. Người học qua âm thanh tiếp nhận kiến thức bằng cách nghe. Người học qua cảm xúc vận động sẽ tiếp thu tốt hơn khi được hành động. Bạn hãy lựa chọn cách tiếp thu kiến thức phù hợp nhất với mình.

  • Nếu bạn học qua hình ảnh, hãy sử dụng một chiếc bút dạ để bôi đậm ghi chú hoặc nội dung cần nhớ. Bạn cũng có thể thử kết hợp cùng với việc xem phim tài liệu hoặc trình chiếu slide trong các buổi học. Hoặc tự mình vẽ sơ đồ tư duy để thể hiện kiến thức dưới dạng hình ảnh.
  • Nếu bạn học qua âm thanh hãy thử cách biến kiến thức thành bài thơ, bài nhạc, sau đó đọc to hoặc nghe sách nói.
  • Nếu bạn thích học qua cảm xúc vận động, bạn có thể kết hợp vừa đi bộ vừa đọc hoặc nghe sách nói. Hoặc lật mở các thẻ ghi chú, vẽ sơ đồ tư duy cũng có hiệu quả tốt.

Lập các nhóm học tập để học hỏi lẫn nhau

Việc học nhóm sẽ giúp cho bạn học hiệu quả hơn vì các thành viên trong nhóm có thể chia sẻ kiến thức và giảng lại bài học cho nhau. Hãy lập một nhóm học với các bạn cùng lớp sau đó lên lịch học nhóm mỗi tuần một lần. Cố gắng học tập trung vào mỗi buổi học để đạt được kết quả tốt nhất nhé.

Học nhóm để cùng nhau học giỏi lên
  • Hãy hỏi từng thành viên trong nhóm lịch rảnh để xếp lịch học cho phù hợp. Ví dụ vào chiều thứ 4 hàng tuần tại thư viện trường chẳng hạn.
  • Nếu tất cả các thành viên đều bận rộn sau giờ học bạn có thể lên lịch học vào cuối tuần tại một quán cà phê nào đó. Vừa học vừa thảnh thơi uống nước thì còn gì thú vị hơn.
  • Cố gắng học nhóm nhiều lần mỗi tuần nếu các bạn có thời gian

PHƯƠNG PHÁP 2: CHUẨN BỊ CHO CÁC BUỔI HỌC

Sắp xếp tài liệu học tập khoa học sao cho dễ dàng tìm thấy tài liệu cần thiết

Bạn cần học rất nhiều môn học, vì vậy hãy sử dụng thời gian một cách khoa học nhất. Hãy đặt toàn bộ các giấy tờ, tài liệu, dụng cụ học tập tại một địa điểm riêng biệt để không bị mất thời gian cho việc tìm kiếm, như vậy bạn có thể nhanh chóng lấy thứ mình cần để bắt đầu việc học.

  • Ví dụ bạn có thể sắp xếp bút chì bút mực, tẩy, thước,… ngay trong ống đựng dụng cụ học tập trên bàn. Những chiếc bút màu rất quan trọng giúp các ghi chú cá nhân có nhiều màu sắc hơn, tăng cảm giác thích thú khi học.
  • Nếu thầy cô gửi bài tập dưới dạng tập tin trên máy tính, hãy lưu các tập tin trong bộ nhớ Google Drive để có thể truy cập từ mọi thiết bị điện thoại hay máy tính. Bằng cách này bạn sẽ luôn có những thứ cần thiết.
  • Bạn cũng có thể sử dụng dụng cụ bấm lỗ để bấm lỗ trên tài liệu học tập và các giấy tờ khác sau đó xếp chúng vào một bìa còng. Hoặc xếp trong bìa hồ sơ. Có thể dán những hình ảnh bạn thích lên trên để dễ nhận biết.
  • Xếp sách, vở ngay ngắn ngay tại góc học tập

Lên lịch học tập cụ thể mỗi ngày

Thay vì cố gắng làm xong tất cả các bài tập trong một ngày, hãy hoàn thành một ít mỗi ngày. Đầu tiên hãy lựa chọn khoảng thời gian bạn thấy tập trung nhất, sau đó sắp xếp các môn học cho từng ngày. Dán thời khóa biểu ở mọi vị trí mà bạn có thể thấy để ghi nhớ mỗi ngày.

Lên lịch học cụ thể để học một cách hiệu quả nhất
  • Mỗi người sẽ có những khoảng thời gian tập trung khác nhau trong một ngày. Có bạn tập trung tốt nhất vào buổi sáng, có bạn lại thích học ngay sau khi tan trường hoặc trước khi đi ngủ. Vì vậy chọn ra thời điểm tập trung học là rất quan trọng.
  • Nếu bạn thích chơi thể thao hoặc thích tham gia các hoạt động tình nguyện ngoại khóa, đừng quên ghi chúng vào thời khóa biểu. Ví dụ bạn thường đá bóng sau khi tan trường, lịch học phù hợp nhất với bạn có thể là một giờ trước khi đi ngủ hoặc một giờ trước khi đi học để có thời gian chơi thể thao.

Luân phiên các môn học để không bị kiệt sức

Đừng cố gắng học một môn học quá lâu vì rất dễ cảm thấy nhàm chán. Bên cạnh đó việc này cũng sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những kiến thức đã học. Vì thế hãy giới hạn thời gian tập trung học cho từng môn, sau đó chuyển sang một một học khác để học có hiệu quả hơn.

  • Ví dụ bạn học môn Văn và Anh vào trưa thứ 3. Nếu bạn có 2 tiếng để học, hãy học Văn trong 45 phút, nghỉ thư giãn 15 phút sau đó học tiếng Anh 45 phút. Bạn cũng có thể dùng 15 phút cuối mỗi buổi học để ôn lại kiến thức hoặc làm bài kiểm tra ngắn.
  • Hãy học những môn bạn không có hứng thú trước để có động lực học hết và đổi chủ đề. 

Trang trí lại góc học tập theo ý thích

Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có một góc học tập riêng. Hãy đảm bảo góc học tập được kê ở vị trí có ánh sáng tốt, loại bỏ những thứ có thể gây xao nhãng, làm giảm khả năng tập trung của bạn. Lưu ý đặt những thứ cần thiết cho việc học như bút chì, bút highlight và sách vở ở gần góc học tập để tiện cho việc sử dụng.

  • Bạn có thể thay đổi địa điểm học tập nếu điều đó giúp bạn thấy có cảm hứng hơn. Ví dụ như ở thư viện hoặc quán cà phê nào đó.
  • Nghe nhạc trong lúc học để tăng sự thú vị, tập trung. Hãy tạo một danh sách các bài nhạc truyền cảm hứng để bạn không bị mất tập trung. Bạn có thể nghe nhạc không lời để tập trung hơn, tuy nhiên cứ thoải mái lựa chọn loại nhạc mình yêu thích.
Góc học tập sẽ truyền cảm hứng cho bạn

Loại bỏ thứ gây xao nhãng để tập trung hơn vào việc học

Chúng ta thường rất dễ bị mất tập trung khi xung quanh có những yếu tố gây xao nhãng như tiếng ồn,… Vì vậy hãy dặn những người xung quanh không nên làm phiền khi bạn đang tập trung học. Bên cạnh đó hãy tắt tivi và để điện thoại im lặng để không thôi thúc bạn mở lên xem.

  • Nếu góc học tập bị bừa bộn, hãy dọn dẹp thật ngăn nắp trước khi bắt đầu học để đầu óc không bị mất tập trung.
  • Sử dụng các ứng dụng hoặc trang web chặn vào mạng xã hội giúp bạn không bị xao nhãng khi đang học từ đó nâng cao hiệu suất học tập.

Đừng nhồi nhét quá nhiều kiến thức trước ngày thi vì điều này không có hiệu quả

Tất cả mọi người hầu như đều cần vài ngày để nắm chắc được nội dung các bài học. Vì vậy việc nhồi nhét kiến thức vào buổi tối trước ngày diễn ra kỳ kiểm tra thường không mang lại hiệu quả như mong muốn. Rất có thể sáng hôm sau bạn sẽ quên sạch những gì đã được học từ tối hôm trước. Thay vào đó hãy học theo một thời khóa biểu cố định từ trước đó để mỗi ngày bạn có thể nắm chắc một lượng kiến thức, để việc học có hiệu quả.

  • Đừng nghe bạn bè nói về hiệu quả của việc nhồi nhét kiến thức trước ngày thi. Bạn không thể biết rõ được điều đó có chính xác hay không. Hãy phớt lờ những điều người khác nói và làm theo những gì thấy phù hợp nhất với bạn nhé.
  • Có thể thử làm một việc gì đó vui nhộn và thư giãn vào buổi tối trước khi thi. Ví dụ như xem một chương trình yêu thích, đọc truyện,… Điều này sẽ giúp bạn có động lực để học theo đúng lịch đã đề ra.

PHƯƠNG PHÁP 3: ĐỌC NHIỀU TÀI LIỆU VÀ GHI CHÚ

Xem lại các ghi chú vào cuối mỗi ngày để ghi nhớ chắc chắn kiến thức đã học

Bạn sẽ cần đọc lại ghi chú vài lần mỗi ngày để ghi nhớ nội dung một cách chắc chắn nhất. Chỉ cần dành ra vài phút mỗi ngày để xem lại những điều đã được học, không cần phải mất quá nhiều thời gian cho điều đó.

  • Tận dụng các khoảng thời gian trống như lúc đợi xe buýt, rửa bát, chờ bố mẹ tới đón, hoặc khi chờ tham gia các sự kiện sau giờ học.

Tập trung vào các kiến thức quan trọng thay vì những nội dung tiểu tiết

Bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác cảm thấy bị quá tải vì có quá nhiều thông tin cần học. Tuy nhiên đừng lo quá, bởi bạn không cần phải nhớ tất cả mọi ghi chú và nội dung có trong sách giáo khoa để học có hiệu quả. Thay vào đó bạn chỉ cần ghi nhớ những điểm chính mà thầy cô giáo đã nhắc tới khi dạy trên lớp. Ngoài ra tận dụng thêm những tiểu tiết và ghi chú nhỏ để nắm nội dung chính chắc chắn hơn.

  • Riêng đối với môn Văn, bạn có thể bắt đầu ghi nhớ từ chủ đề của câu chuyện, sau đó tìm hiểu cách tác giả sử dụng những thủ pháp văn học để giúp cốt truyện được nổi bật hơn.
  • Khi học môn Toán, hãy tập trung vào những công thức đang được học và cách vận dụng chúng khi làm bài tập. Sau đó làm những bài toán thầy cô giao cho bạn để thực hành ngay những công thức đó.
  • Với môn Lịch sử, bạn chỉ cần chú trọng các yếu tố lịch sử và xã hội đã dẫn tới chiến tranh thay vì cố ghi nhớ sự kiện cụ thể và con người.

Đọc to kiến thức để tăng khả năng ghi nhớ

Việc đọc to kiến thức có thể giúp bạn ghi nhớ tốt hơn. Vì thế hãy cố gắng áp dụng điều này thật nhiều cho những nội dung quan trọng. Bạn cần chọn một nơi nào đó không gây ảnh hưởng tới người khác sau đó đọc to các ghi chú hoặc tài liệu để não bộ ghi nhớ nhanh hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể thử đọc to khi không hiểu rõ một nội dung nào đó.

Đọc to sẽ tăng khả năng ghi nhớ

Tìm ra sự liên kết giữa những điều bạn đang học và những điều bạn biết từ trước đó

Sẽ có lúc bạn cảm thấy những điều đã được học trên lớp không thể áp dụng được vào cuộc sống. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn không đúng. Việc liên kết giữa những gì bạn đang được học và những điều bạn đã biết sẽ giúp bạn hiểu nội dung một cách rõ ràng hơn và ghi nhớ kiến thức tốt hơn. Vì thế hãy cố gắng tìm ra sự liên kết giữa những gì bạn đang học và những trải nghiệm thực tế nhé.

  • Ví dụ với môn Toán, bạn có thể áp dụng kiến thức toán đã học để tính diện tích của bức tường khi mua sơn mới
  • Tương tự, ở môn Văn, hãy tìm điểm tương đồng giữa những nhân vật trong câu chuyện với những người bạn quen trong cuộc sống

Viết ghi chú với những thông tin chi tiết để tạo thành đề cương ôn tập

Việc lập đề cương sẽ giúp bạn dễ dàng xem lại kiến thức để ôn tập cho những buổi học tiếp theo. Bạn chỉ cần nhập ghi chú vào văn bản trên máy tính, xem thêm sách giáo khoa hoặc thông tin từ các nguồn trực tuyến để bổ sung thêm vào ghi chú đã có sẵn. Ngoài ra hãy trả lời những câu hỏi bạn thấy trong sách hoặc bất kỳ câu hỏi nào xuất hiện khi bạn đang học.

  • Đây là cách học rất có hiệu quả bởi nó đòi hỏi bạn phải làm nhiều hơn so với việc chỉ đọc ghi chú trong sách giáo khoa. Đọc, suy nghĩ sau đó tổng hợp lại để viết sẽ giúp cho buổi học có hiệu quả hơn.
  • Nếu bạn thích viết bằng tay hơn, hãy chuẩn bị bút lông màu để tạo nên sự thú vị cho những ghi chú của mình.

DUY TRÌ ĐỘNG LỰC HỌC TẬP

Nghỉ giải lao 10 – 15 phút sau mỗi giờ học

Với những người coi trọng từng giờ phút để học có thể sẽ cho rằng nghỉ giải lao là một ý tưởng tồi. Tuy nhiên trên thực tế, việc tập trung học trong một khoảng thời gian quá dài có thể làm cho bạn bị mệt mỏi. Vì thế nghỉ giải lao sẽ giúp bạn thả lỏng đầu óc từ đó cảm thấy sảng khoái và tập trung tốt hơn để có thể học tập một cách hiệu quả.

  • Bạn có thể làm theo phương pháp Pomodoro: hẹn giờ sau 25 phút học tập để nghỉ ngơi 2 – 3 phút sau đó lại học thêm 25 phút. Bạn có thể chia thành 4 lần học 25 phút, xen kẽ với đó là những quãng nghỉ giải lao ngắn. Sau lần học thứ 4, bạn có thể dừng hẳn việc học trong ngày hôm đó hoặc giải lao dài 15 phút trước khi tiếp tục việc học.
  • Bạn cũng có thể tận dụng khoảng thời gian giải lao để làm việc gì đó giúp bạn có thêm năng lượng như đi dạo hoặc ăn nhẹ gì đó. Đừng bật tivi hoặc chơi trò chơi điện tử vì nó rất dễ khiến bạn bị mất tập trung.

Vận động trong khi giải lao giúp bạn tăng khả năng tập trung hơn

Hoạt động thể chất giúp tăng tuần hoàn máu lên não từ đó giúp não hoạt động tốt hơn. Ngoài ra việc vận động cũng giúp cải thiện trí nhớ. Vì vậy hãy thử đi bộ, tập thể dục, nhảy trên nền nhạc yêu thích trong khi giải lao nhé.

Vận động một chút sẽ giúp tăng khả năng tập trung

Ăn nhẹ giúp não hoạt động tốt hơn

Việc ăn nhẹ lúc học sẽ giúp bạn tập trung và học có hiệu quả hơn. Lưu ý chọn những loại thức ăn nhẹ lành mạnh thay cho những đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe. Bạn có thể tham khảo một số món ăn vặt như sau:

  • Hoa quả
  • Hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ
  • Trái cây khô
  • Socola đen
  • Sữa chua

Ngủ đủ 8 – 10 tiếng mỗi đêm để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ

Thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 – 17 tuổi cần phải ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất. Nếu bị thiếu ngủ bạn sẽ luôn mệt mỏi và không thể học tốt. Não bộ không tiếp nhận được nhiều thông tin như khi ngủ đủ giấc. Với người từ 18 tuổi trở lên cần ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm, trẻ từ 6 – 13 tuổi cần ngủ đủ 9 – 11 tiếng.

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về cách học để hiệu quả hơn. Các bạn có thể áp dụng theo để xem có phù hợp với mình không nhé. Hãy kiên nhẫn thiết lập thói quen mới cho bản thân và chắc chắn bạn sẽ thu được thành quả.