Những kiến thức quan trọng về Quan hệ từ trong tiếng Việt

Quan hệ từ là mảng kiến thức tiếng Việt quan trọng trong chương trình tiếng Việt cấp 2. Sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp kiến thức về quan hệ từ cùng những bài tập thực hành để các học sinh hiểu và dễ dàng làm bài tập. 

QUAN HỆ TỪ LÀ GÌ?

Quan hệ từ là từ dùng để nối các từ ngữ hoặc các vế câu. Mục đích: thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu, vế câu với nhau. Một số quan hệ từ phổ biến: và, hay, nhưng, mà, thì, của, ở, bằng, để, tại, với, như,…

Những quan hệ từ gồm nhiều ý nghĩa khác nhau như so sánh 2 sự vật/hiện tượng/đồ vật, sự sở hữu, mục đích, nhân quả…

Chức năng của quan hệ từ: 

Đây là một thành phần đặc biệt quan trọng trong câu, kể cả trong văn nói và văn viết. Chúng có chức năng liên kết từ, cụm từ hoặc liên kết các vế câu lại với nhau giúp cho câu văn, đoạn văn thêm logic, mạch lạc, dễ hiểu, thể hiện được chủ ý của người nói. 

Nếu không sử dụng các quan hệ từ khi viết và nói, những câu văn sẽ không có sự kết nối, rành mạch mà rời rạc, lủng củng, khó hiểu, người nghe có thể hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa mà người nói đề cập đến

TỔNG HỢP Ý NGHĨA QUAN HỆ TỪ

1. Của

Đây là từ thể hiện Quan hệ sở hữu. 

Ví dụ: Quyển sách của tôi rất hay vì thế tôi luôn đọc nó cho con nghe trước khi đi ngủ vào buổi tối. 

2. Như

Như là từ Quan hệ so sánh.

Ví dụ: Chiếc xe máy này đẹp hơn chiếc xe máy kia.

3. Và

Đây là từ Quan hệ liệt kê, dùng để liệt kê 2 hoặc nhiều danh từ, hành động.

Ví dụ: Tôi và Thành là bạn học cùng nhau những năm cấp 2. 

4. Nhưng

Đây là từ thể hiện Quan hệ tương phản.

Ví dụ: Hôm nay trời mưa rất to nhưng không khí rất nóng bức.

5. Mà

Đây là từ Quan hệ mục đích.

Ví dụ: Sợi dây chuyền mà người yêu mua cho tôi được khắc tên rất đẹp.

6. Ở

Ở là từ Chỉ quan hệ định vị, chỉ địa điểm, vị trí của đối tượng.

Ví dụ: Những chiếc váy đẹp được treo gọn gàng ở trong cửa tiệm.

7. Với

Đây là từ Chỉ quan hệ hướng tới một đối tượng nào đó.

Ví dụ: Chúng tôi đã trò chuyện cùng với nhau 4h đồng hồ.

8. Từ

Đây là từ Chỉ quan hệ định vị, diễn tả thời điểm, thời gian hoặc địa điểm xuất phát.

Ví dụ: Từ hôm nay, gia đình chúng ta sẽ sống ở đây.

9. Bằng

Bằng là từ Chỉ quan hệ về phương tiện, về trạng thái, cách thức, phương pháp hoặc nguyên liệu chế tạo.

Ví dụ: Chúng tôi di chuyển từ Hà Nội về Ninh Bình bằng xe khách của công ty.

NHỮNG CẶP QUAN HỆ TỪ PHỔ BIẾN

1. Biểu thị quan hệ: Giả thiết – Kết quả; Điều kiện – Kết quả

Các cặp quan hệ từ thể hiện Giả thiết – Kết quả, Điều kiện – Kết quả bao gồm: Nếu … thì…; Hễ … thì…; Giá mà … thì … Thể hiện những sự vật, hiện tượng hay đối tượng nào đó diễn ra và là nguyên do dẫn đến kết quả cụ thể nào đó. Hoặc diễn tả việc có một sự việc xảy ra dẫn đến một sự việc khác có liên quan

Ví dụ:

– Nếu đủ tiền trong tài khoản tôi sẽ mua một căn nhà thật to.

– Hễ chuồn chuồn bay thấp thì trời sẽ mưa to.

– Giá mà tôi học hành chăm chỉ thì bây giờ có thể đi thi học sinh giỏi được rồi. 

2. Biểu thị quan hệ Tăng lên

Các cặp quan hệ từ thể hiện Tăng lên bao gồm: Không những … mà còn…; Không chỉ … mà còn…; Càng … càng… Khi sử dụng những cặp quan hệ từ này vào một câu sẽ giúp cho các sự vật, sự việc, hiện tượng, hành động trong câu được tăng lên về tính chất, vấn đề, ý nghĩa,… của đối tượng ấy

Ví dụ: 

– Hoa không những học giỏi mà còn rất ngoan ngoãn.

– Bạn Dương không chỉ nấu ăn ngon mà còn rất giỏi thể thao.

– Chi Mai càng ngày càng xinh đẹp và tốt bụng.

3. Biểu thị quan hệ Tương phản, đối lập

Các cặp quan hệ từ thể hiện Tương phản, đối lập bao gồm: Tuy … nhưng…; Mặc dù … nhưng… Đây là cặp quan hệ từ thể hiện một sự vật, sự việc có sự trái ngược với một sự vật, sự việc, hành động khác đang được đề cập đến.

Ví dụ:

–  Mặc dù trời mưa rất to nhưng anh ấy vẫn đến gặp cô ấy đúng ở quán cà phê quen.

– Tuy cô ấy không có nhiều tiền có nhưng cô ấy vẫn sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn.

CÁCH SỬ DỤNG QUAN HỆ TỪ

Quan hệ từ được sử dụng trong nhiều trường hợp, có nhiều câu bắt buộc phải sử dụng những từ loại này để làm rõ ngữ nghĩa, mục đích nói khi diễn đạt. 

– Những trường hợp sử dụng thiếu quan hệ từ: 

Trời mưa thời tiết oi bức. 

=> Tác giả muốn nhấn mạnh đến 2 hiện tượng trái chiều nhau là trời mưa – thời tiết oi bức. Lúc này, cần sử dụng cặp quan hệ từ: Mặc dù – nhưng. => Mặc dù trời mưa nhưng thời tiết vẫn oi bức.

Những trường hợp sử dụng thừa quan hệ từ: 

Như Hoa không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, mà còn có tài ca hát. 

=> Quan hệ từ có ý nghĩa liệt kê những ưu điểm của Như Hoa nhưng lặp lại 2 lần trong 1 câu. 

=> Sửa lại: Như Hoa không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh và có tài ca hát. 

BÀI TẬP THỰC HÀNH

1. Hãy tìm những quan hệ từ có trong đoạn văn sau:

“Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, quang gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa.” (trích Hai đứa trẻ – Thạch Lam)

2. Gạch dưới những quan hệ từ có trong các câu sau:

a. Trên bãi biển có rất nhiều người nhảy múa ca hát.

b. Trời mưa to nhưng bạn Chi không mang áo mưa.

c. Lớp em học rất chăm chỉ nên điểm thi cuối kỳ cao nhất khối.

d. Bạn Hồng Phong cao hơn bạn Dương Ngọc một cái đầu.

e. Mưa đã tạnh rồi mà đường xá vẫn còn nhiều bùn đất lầy lội.

f. Hôm nay, tổ bạn trực nhật hay tổ tớ trực nhật nhỉ?

3. Chọn các quan hệ từ thích hợp để điền vào chỗ trống:

(tuy…nhưng; của; nhưng; vì… nên; bằng; để)

a. Những cái thước kẻ ……………….tôi không còn mới ……………….vẫn tốt.

b. Tôi vào thành phố Hà Nội……………….máy bay……………….kịp cuộc họp ngày mai.

c. ……………….trời mưa to……………….nước sông dâng cao.

d. ……………….cái áo ấy không đẹp……………….nó là kỉ niệm của những ngày chiến đấu anh dũng.

4. Tìm và gạch dưới những quan hệ từ rồi ghi lại ý nghĩa của chúng (chúng biểu thị quan hệ gì?).

a. Bạn Hà chẳng những học giỏi mà bạn ấy còn ngoan ngoãn.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

b. Sở dĩ cuối năm Minh Châu phải thi lại vì bạn không chịu khó học tập.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

c. Tuy chúng ta đã tận tình giúp đỡ Khôi nhưng bạn ấy vẫn chưa tiến bộ nhiều trong môn Tích phân.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

d. Nếu trời mưa thì ngày mai chúng ta không đi du lịch Đà Nẵng nữa.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

e. Hễ có gió to thì nhất định thuyền chúng ta sẽ ra khỏi chỗ này trước khi trời tối.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

f. Nhờ bạn Minh giúp đỡ mà kết quả của Nhân tiến bộ rõ.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

g. Do gió mùa đông bắc tràn về nên trời trở lạnh.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

h. Mặc dù nhà rất xa nhưng bạn Ánh chưa bao giờ đi học muộn.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

i. Nhờ có dịp đi chơi xa nhiều nên tôi mới tận mắt thấy hết sự giàu có của quê hương mình sau khi nhận được chứng nhận Nông thôn mới.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

j. Bác ruột của tôi không chỉ khéo léo mà bác còn chăm chỉ làm việc.

→ Biểu thị quan hệ: ………………………………………………………….

Trên đây là những kiến thức cơ bản về chủ đề Quan hệ từ trong tiếng Việt. Các bạn học sinh có thể theo dõi những bài viết trên website để học thêm nhiều chủ đề quan trọng.