Phân loại các kiểu câu theo mục đích nói và hành động nói

Chủ đề bài học hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau phân loại các kiểu câu theo mục đích nói và hành động nói. Đây là những kiến thức cơ bản trong tiếng Việt để giúp các bạn học sinh làm các bài tập điền từ, sắp xếp câu, viết đoạn văn…

PHÂN LOẠI CÁC KIỂU CÂU THEO MỤC ĐÍCH NÓI

Tùy vào cách phân loại, các câu nói được chia thành nhiều nhóm khác nhau, phổ biến nhất là các kiểu câu sau đây.

1. Câu nghi vấn (thường được gọi là câu hỏi)

– Chức năng chính: dùng để hỏi khi muốn biết/đang thắc mắc cần giải đáp. Ngoài ra, câu nghi vấn còn thực hiện các chức năng phụ khác như để chào xã giao, thay cho lời chào hỏi thông thường. 

Ví dụ: Bác đi đâu đấy ạ?, Chị có khỏe không ạ?…

– Câu nghi vấn có thể dùng để cầu khiến, ra lệnh một cách tế nhị.

Ví dụ: Bạn có thể giúp tớ đóng cửa sổ được không?)

– Câu nghi vấn dùng để đe dọa, để khẳng định/phủ định, để bộc lộ cảm xúc.

Ví dụ: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”/Mày có thích ăn đòn không?

– Hình thức: thể hiện thông qua các từ để hỏi như: à, ư, này, thế ư, nhỉ, chưa, không, có không, khi nào, ở đâu, vì sao…và có dấu chấm hỏi cuối câu. 

2. Câu cầu khiến

– Chức năng chính: để yêu cầu, đề nghị, ra lệnh… ai đó làm gì.

– Câu có các từ cầu khiến như: hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào, giúp, xin…hoặc cuối câu có dấu chấm than hoặc câu có ngữ điệu cầu khiến. 

Ví dụ: Bạn hãy giữ gìn sức khỏe nhé!/ Chúng ta cùng làm việc thôi nào/Các bạn hãy trật tự để bắt đầu cuộc họp.

3. Câu cảm thán

– Chức năng chính: để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, tâm lý, tình cảm.

Ví dụ: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…(trích Lão Hạc – Nam Cao)./Trời ơi, sao nóng bức thế/ 

– Dấu hiệu nhận biết: có các từ cảm thán như trời ơi, than ôi, ôi, thương thay, hỡi ôi, ôi…hoặc cuối câu có dấu chấm than. 

Phân loại câu theo mục đích nói

4. Câu trần thuật

– Đây là kiểu câu phổ biến nhất trong giao tiếp. Nó có chức năng chính là kể, diễn tả, miêu tả, thông báo, giới thiệu…về một sự vật, hiện tượng, nhân vật. Bên cạnh đó, nó cũng thể hiện một số chức năng khác như yêu cầu, đề nghị, bộc lộ cảm xúc… tương tự như những loại câu bên trên.

Ví dụ: Ngày hôm qua tôi gặp một chuyện rất vui./Chiếc xe này rất đẹp, giá lại phải chăng, chúng ta nên mua nó.

– Kết thúc câu là dấu chấm câu. 

– Câu trần thuật còn có thể là câu phủ định và chứa các từ phủ định như không, chẳng, chưa, đâu có, đâu…). 

Ví dụ: Làm gì có chuyện như đồng chí Sơn vừa trình bày./ Tôi không thấy bạn Hoa học giỏi. 

PHÂN LOẠI CÁC KIỂU CÂU THEO HÀNH ĐỘNG NÓI

Hành động nói là những hành động được thực hiện bằng lời nói qua miệng, hoặc lời viết. Ngày nay, chúng ta không chỉ giao tiếp qua việc gặp mặt trực tiếp mà còn có thể giao tiếp, kết  nối, truyền đạt thông tin qua Facebook, Zalo, điện thoại.

Phân loại câu theo hành động nói

Sau đây là bảng phân loại các kiểu câu theo hành động nói:

Hành động nói Kiểu câu 
Hành động trình bày một sự vật, sự việc như kể, tả, giới thiệu, nhận xét, đánh giá, báo cáo, dự báo…Câu trần thuật (kiểu câu chính), câu cầu khiến, câu cảm thán, câu nghi vấn.
Hành động hỏi (hỏi, đề nghị, bộc lộ cảm xúc…)Câu nghi vấn (kiểu câu chính), câu trần thuật, câu cầu khiến, câu cảm thán. 
Hành động điều khiển, cầu khiến (yêu cầu, ra lệnh, đề nghị, khuyên nhủ…)Câu cầu khiến (kiểu câu chính), câu cảm thán, câu trần thuật, câu cầu khiến
Hành động hứa hẹn (hứa, bảo đảm, đe dọa, dọa dẫm…)Câu trần thuật (kiểu câu chính), câu cầu khiến, câu cảm thán
Hành động bộc lộ cảm xúc (cảm ơn, xin lỗi, than phiền, bày tỏ tình cảm…) Câu cảm thán, (kiểu câu chính), câu nghi vấn, câu trần thuật, câu cầu khiến. 

Bài viết trên chúng tôi đã Phân loại các kiểu câu theo mục đích nói và hành động nói kèm theo ví dụ cụ thể để các bạn hiểu thêm về mảng kiến thức này. Chúc các bạn học sinh học hiệu quả và đạt điểm cao môn tiếng Việt.