Sự khác nhau giữa ngành Quảng cáo và ngành Quan hệ công chúng (PR)

Hiện nay sự cạnh tranh sản phẩm dịch vụ ngày càng gay gắt dẫn tới nhu cầu khẳng định vị trí và quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp cũng ngày một tăng. Vì thế các công việc gắn với ngành Quảng cáo, ngành Quan hệ công chúng cũng được đẩy mạnh một cách tối đa. Đây là cơ hội rộng mở cho các bạn có niềm đam mê sáng tạo, có khả năng giao tiếp, năng động, tự tin.

Tuy nhiên mỗi một ngành nghề sẽ có đối tượng khách hàng riêng, vị trí công việc đặc thù riêng. Vì thế trước khi đưa ra lựa chọn ngành học cho bản thân, bạn cần hiểu được ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng có sự khác nhau như thế nào? Từ đó xác định được định hướng phát triển cho bản thân.

KHÁI NIỆM NGÀNH QUẢNG CÁO VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

Để nắm được rõ hơn sự khác nhau giữa hai ngành học này, trước hết bạn cần hiểu rõ cụ thể khái niệm của từng ngành.

Quảng cáo là ngành học nghiên cứu về cách truyền tải, tuyên truyền, giới thiệu thông tin về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp tới khách hàng. Từ đó tạo ra thói quen và hành vi của khách hàng thông qua các thông điệp. Cả Quảng cáo và Quan hệ công chúng đều là mắt xích quan trọng trong dây chuyền hoạt động Marketing.

Quan hệ công chúng tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu hoạt động hướng tới công chúng, cộng đồng để gây dựng hình tượng đẹp, ấn tượng tốt về doanh nghiệp, tổ chức nhằm tạo thiện cảm trong lòng công chúng.

Khái niệm ngành quảng cáo và quan hệ công chúng

Tóm lại, Quảng cáo giúp tăng độ nhận diện sản phẩm dịch vụ, tạo ra xu hướng mua sắm in sâu vào tâm trí khách hàng. Còn PR là xây dựng và bảo vệ hình ảnh đẹp của doanh nghiệp trong mắt công chúng. Nói dễ hiểu hơn thì Quảng cáo chú trọng vào việc tự giới thiệu bản thân. Còn PR là quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về mình.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIỮA 2 NGÀNH CÓ GÌ KHÁC NHAU?

Mặc dù có sự tương đồng về một số môn học nền tảng, một số vị trí công việc, tuy nhiên giữa hai ngành này vẫn có nhiều kiến thức chuyên sâu khác biệt.

Với ngành Quảng cáo, sinh viên sẽ được học về chiến lược quảng bá sản phẩm, học về các kỹ năng nghiệp vụ như truyền tải thông điệp. tiếp thị hiệu quả, thiết kế, quản trị quảng cáo.

Với Quan hệ công chúng, sinh việc học các kiến thức tổng quan về truyền thông, mạng xã hội, truyền thông tương tác, nắm được sự quan trọng của báo chí với xã hội, hiểu được quy trình hoạt động và sáng tạo truyền thông phục vụ cho PR. Sau khi học xong bạn sẽ có tư duy, phương pháp tác nghiệp của các loại hình trong báo chí như phóng sự, viết tin, phỏng vấn,…

Bên cạnh sự khác biệt về kiến thức chuyên ngành, vị trí nghề nghiệp cũng có sự khác biệt như sau:

Cử nhân ngành Quảng cáo có thể đảm nhận các vị trí:

  • Chuyên viên Quảng cáo tại các công ty truyền thông, quảng cáo trong và ngoài nước
  • Thiết kế quảng cáo, thể hiện ấn tượng nhất thông điệp của chiến dịch quảng cáo
  • Điều hành, quản lý các chiến dịch quảng cáo, hạn chế phát sinh rủi ro
  • Đạo diễn tại các phim trường, studio phim ảnh

Bạn sẽ thường xuyên được tiếp xúc với đội ngũ sáng tạo như đạo diễn hình ảnh, copywriter, thiết kế đồ họa, diễn viên,…

Chương trình đào tạo hai ngành có gì khác nhau?

Với ngành Quan hệ công chúng, cử nhân ngành có thể đảm nhận các vị trí:

  • Phóng viên, biên tập báo chí, phát thanh, truyền thông
  • Xây dựng chiến lượng phát triển thương hiệu doanh nghiệp
  • Chuyên viên PR, quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện tại cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước

Như vậy có thể thấy, người làm trong ngành PR sẽ được làm việc nhiều hơn với báo chí, chính quyền, đối tác để nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.

Mặc dù có sự khác biệt về kiến thức chuyên môn hay vị trí công việc, tuy nhiên cả 2 ngành đều đòi hỏi có sự sáng tạo cao, có nhiều ý tưởng độc đáo. Vì thế bạn có thể cân nhắc kỹ để lựa chọn công việc phù hợp với tố chất của mình.

Trong bối cảnh ngày nay, các bạn cử nhân tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng và Quảng cáo có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt. Vì thế hãy tìm hiểu thật kỹ để nhận rõ sự khác biệt giữa hai ngành này, từ đó có sự lựa chọn phù hợp nhất cho mình nhé!