Tổng hợp những phương châm hội thoại và bài tập thực hành

Phương châm hội thoại là gì? Làm thế nào để đảm bảo được cuộc hội thoại hiệu quả? Chúng ta hãy cùng theo dõi lời giải đáp trong bài dưới đây.

PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI LÀ GÌ?

Phương châm hội thoại được hiểu là những quy định mà người tham gia hội thoại phải tuân thủ để đảm bảo cuộc giao tiếp thành công. Để giao tiếp thành công, người tham gia hội thoại cần nắm vững các phương châm hội thoại. Tùy vào mỗi tình huống giao tiếp cụ thể, chúng ta có thể vận dụng những phương châm hội thoại cho phù hợp và linh hoạt.

Để thuyết phục người khác nghe khi giao tiếp, chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm sau:

– Tính tham khảo: Thông tin cung cấp phải có tính chọn lọc, khái quát và là thông tin quan trọng nhất của vấn đề đó. Không cần liệt kê toàn bộ những thông tin theo kiểu dàn trải, thừa thãi, không cần thiết.

– Tính thời sự: Kể lại sự việc để thấy được hiện trạng, vấn đề đặt ra quan trọng, cấp thiết, cần được thực hiện ngay, mang tính nóng hổi.

– Tính phản biện: Cần xác định sẽ có những ý kiến đồng tình hoặc phản bác về một vấn đề nào đó. Khi đưa ra ý kiến của mình, cần lấy những dẫn chứng, chứng cứ để lập luận, bảo vệ cho ý kiến của mình. 

– Tính đề xuất: Trong cuộc trò chuyện, chúng ta cần đưa ra những đề xuất, giải pháp, phương pháp để giải quyết vấn đề. Đặc biệt đi kèm theo các giải pháp là những dẫn chứng cụ thể để thuyết phục, chứng minh sự ưu việt, hiệu quả của giải pháp mình đưa ra.  

TỔNG HỢP CÁC PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI

1. Phương châm về lượng

Khi giao tiếp, cần nói những sự việt, câu chuyện có nội dung; nội dung lời nói phải đáp ứng đúng với yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa. 

Ví dụ: 

A: Em ăn cơm chưa?

B: E rất thích ăn cơm với cá và rau ngày hôm nay.

=> Người A hỏi đã ăn cơm chưa, câu trả lời chính xác nhất sẽ là: chưa ăn hoặc ăn rồi. Tuy nhiên người B không trả lời đúng trọng tâm, kết quả người A vẫn chưa biết được đã ăn hay chưa.

2. Phương châm về chất

Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không biết rõ nó đúng hay không hoặc không có bằng chứng xác thực. 

Ví dụ: 

A: Bạn có biết rõ chiếc điện thoại đầu tiên được sản xuất vào ngày nào không?

B: Mình không rõ, chắc là từ rất lâu rồi khoảng ngày 5/9 thế kỷ trước.

3.Phương châm quan hệ

Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề, lan man làm đối phương thấy khó hiểu.

4.Phương châm cách thức

Khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn rành mạch; tránh cách nói mơ hồ, câu cú dài dòng, kể lể các thông tin thiếu rõ ràng.

5.Phương châm lịch sự

Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác, đặc biệt đối phương là người lớn tuổi, người cao hơn mình theo cấp bậc như: ông bà, cha mẹ, anh chị, cấp trên.. 

Ngoài người lớn tuổi, chúng ta cần tôn trọng khi giao tiếp với tất cả mọi người kể cả bạn bè, người ít tuổi. Có thể sử dụng những từ ngữ thoải mái, thân mật tuy nhiên nếu giao tiếp ở  nơi công cộng cần chú ý cách ăn nói, thái độ giao tiếp.

 6. Quan hệ giữa phương châm hội thọai và tình huống giao tiếp

Việc vận dụng các phương châm hội thọai cần phù hợp với đặc điểm của tình huống giao tiếp, phù hợp với vị trí, thời gian giao tiếp.

Ví dụ: 

Trong cuộc họp,

Giám đốc: Dự án này tôi thấy còn nhiều điểm thiếu sót, cậu cần chỉnh sửa và bổ sung lại.

Người thuyết trình: Anh ơi, do hôm qua em xem đá bóng ngủ muộn nên quên không bổ sung vào. Ngày mai khi xem đá bóng xong em sẽ sửa lại.

=> Câu trả lời người B không phù hợp với sự nghiêm túc trong cuộc họp. 

NGUYÊN NHÂN NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG TUÂN THỦ PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI

Có rất nhiều người khi giao tiếp không tuân thủ phương châm hội thoại, có thể là một cách cố tình hoặc vô tình, vô ý. Những nguyên nhân sau là nguyên nhân chính dẫn đến việc này:

– Người nói thiếu văn hóa, vụng về, vô ý, bất lịch sự

– Người nói đang ưu tiên cho một yêu cầu khác quan trọng hơn như: đối tượng khác, thời gian gấp, sức khỏe không tốt

– Người nói muốn gây sự chú ý, hướng người nghe theo một nghĩa hàm ý

– Người nói cảm thấy đối phương giao tiếp không lịch sự, không phù hợp, nên cố tình vi phạm phương châm hội thọai kết thúc cuộc nói chuyện.

BÀI TẬP THỰC HÀNH

Hãy làm những bài tập sau để thực hành chủ đề Phương châm hội thoại.

Bài 1:  Câu thành ngữ “nói nhăng nói cuội” phản ánh phương châm hội thoại nào?

   A. Phương châm cách thức

   B. Phương châm quan hệ

   C. Phương châm về lượng

   D. Phương châm về chất

Bài 2: Phương châm quan hệ nào được thể hiện trong đoạn trích sau:

– Về đến nhà, A Phủ lẳng vai ném nửa con bò xuống gốc đào trước cửa. Pá Tra bước ra hỏi:

– Mất mấy con bò?

A Phủ trả lời tự nhiên:

– Tôi về lấy súng, thế nào cũng bắn được. Con hổ này to lắm.

   A. Phương châm quan hệ

   B. Phương châm cách thức

   C. Phương châm về chất

   D. Phương châm về lượng

Bài 3: Hãy cho biết các câu sau liên quan đến phương châm hội thoại nào đã học:

1. Nói dơi nói chuột.

2. Nói như dùi đục chấm mắm cáy.

3. Ăn lắm thì hết miếng ngon,

Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.

4. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

5. 

– Lời chào cao hơn mâm cỗ. 

– Vàng thì thử lửa, thử than, 

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời. 

6. Ăn không nói có 

7. Mồm loa mép giải 

8. Nói có sách, mách có chứng 

Bài 4: Đọc các văn bản sau và cho biết phương châm hội thoại nào đã không được tuân thủ?

a. Một anh không làm nghề ngỗng gì, chỉ ăn bám vào bố. Có ông thầy coi tướng cho, bảo:

– Cả hai bố con anh đều sống thọ. Bố anh sống đến tám mươi còn anh ít ra cũng hơn bảy mươi.

Nghe nói thế, anh ta khóc òa lên. Thầy tướng lấy làm lạ, hỏi:

– Tôi bảo bố con anh đều sống thọ cả, cớ sao anh lại khóc?

Anh ta mếu máo:

– Như thế thì đến khi bố tôi chết, tôi còn sống mười năm nữa, ông bảo thế ai nuôi tôi mà tôi chẳng khóc?

b. – Chồng: Bao nhiêu tiền một cân cá rô vậy em?

– Vợ: Bốn nhăm ngàn đồng cả mớ này đấy anh ạ!

c.  – Bạn là học sinh trường nào?

– Tớ là học sinh trường trung học cơ sở.

Bài 5: Đọc truyện cười sau và cho biết câu nói được in đậm đã vi phạm phương châm hội thoại nào. Vì sao người nói lại vi phạm phương châm đó?

a. Trứng vịt muối

Hai anh em nhà nọ vào quán ăn cơm. Nhà quán dọn cơm trứng vịt muối cho ăn. Người em hỏi anh:

– Cùng là trứng vịt mà sao quả này lại mặn nhỉ?

– Chú hỏi thế người ta cười cho đấy. – Người anh bảo. – Quả trứng vịt muối mà cũng không biết.

– Thế trứng vịt muối ở đâu ra?

Người anh ra vẻ thông thạo, bảo:

– Chú mày kém thật! Có thế mà cũng không biết. Con vịt muối thì nó đẻ ra trứng vịt muối chứ sao.

b. Ai tìm ra châu Mĩ?

Trong giờ học Địa lí, thầy giáo gọi Hà lên bảng chỉ bản đổ:

– Em hãy chỉ đâu là châu Mĩ.

– Thưa thầy đây ạ! – Hà chỉ trên bản đồ.

-Tốt lắm! Thế bây giờ trò Bi hãy nói cho thầy biết ai đã có công tìm ra châu Mĩ?

– Thưa thầy, bạn Hà ạ!

c. Quả bí

Hai chàng đi qua một khu vườn trồng bí. Một anh thấy một quả bí to, kêu lên: 

– Chà ! Quả bí kia to thật! 

Anh bạn có tính hay nói khoác, cười mà bảo rằng: 

– Thế thì đã lấy làm gì to. Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một lần, tôi tận mắt trông thấy một quả bí to bằng cả cái nhà đằng kia kìa. 

Anh kia nói ngay: 

– Thế thì đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ, một bận tôi trông thấy một cái nồi đồng to bằng cả cái đình làng ta. 

Anh nói khoác ngạc nhiên hỏi: 

– Cái nồi ấy dùng để làm gì mà to vậy ? 

Anh kia giải thích: 

– Cái nồi ấy dùng để luộc quả bí anh vừa nói ấy mà. 

Anh nói khoác biết bạn chế nhạo mình bèn nói sang chuyện khác.

Trên đây là những kiến thức về phương châm hội thoại và bài tập thực hành kèm theo. Nắm chắc những kiến thức này, chúng ta có thể tham gia hội thoại một cách hiệu quả, gây ấn tượng với đối phương, góp phần tạo nên nhiều mối quan hệ tốt đẹp.