Những kỹ năng giúp học sinh đạt điểm cao môn Văn – Anh trong kỳ thi THPT

Kỳ thi THPT năm 2022 sắp đến gần, bên cạnh việc ôn thi, các thí sinh cần luyện kỹ năng giải đề để đạt điểm cao, đặc biệt là 2 môn khó nhằn: Ngữ Văn và tiếng Anh. Vậy học sinh cần làm bài thế nào cho hiệu quả? Chi tiết được chúng tôi chia sẻ sau đây.

KỸ NĂNG LÀM BÀI MÔN VĂN

1. Phần đọc hiểu và trả lời câu hỏi

Thông thường sẽ có câu hỏi như sau:

Cho 1 đoạn thơ hoặc 2 đoạn văn xuôi sau đó hỏi về phương thức biểu đạt, hình ảnh, từ ngữ, cách dùng từ, đặc sắc nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ… 

– Ở mức độ nhận biết thường sẽ đưa ra những dự kiện có sẵn trong văn bản, thí sinh cần trích và liệt kê ra.

– Ở mức độ thông hiểu, thí sinh cần vận dụng tư duy đó là đọc kỹ câu văn, câu thơ, đoạn văn,  để suy nghĩ xem nội dung phản ánh cái gì, ẩn chứa điều gì, có ý nghĩa ra sao.

– Ở mức độ vận dụng cao, thí sinh hãy bày tỏ quan điểm cá nhân một cách rõ ràng, mạch lạc, cần trả lời bám sát nội dung văn bản.

Phần này thí sinh không trả lời lan man, đề hỏi gì hãy trả lời đúng trọng tâm, ngắn gọn, không phân tích dài dòng. 

2. Ở phần nghị luận xã hội

Đề bài thường là nêu ra suy nghĩ, quan điểm, ý kiến về một sự vật, sự việc, hiện tượng hoặc văn bản nào đó khoảng 200 chữ. 

Phần mở đầu, để đạt điểm cao, các bạn cần xác định chính xác được đâu là vấn đề mình cần bàn luận, sau đó nháp nhanh ra các ý chính (kèm ví dụ cụ thể). Sau đó triển khai viết thân bài từ việc đưa ra luận điểm, phân tích, dẫn chứng… với các góc nhìn đa chiều hoặc góc nhìn của bản thân. Cuối cùng là rút ra kinh nghiệm, bài học, lời kêu gọi.

3. Ở phần nghị luận văn học

Thí sinh nên chuẩn bị sẵn 1 số mẫu mở bài sáng tạo tại nhà, khi bước vào câu nghị luận văn học, nếu may mắn “trúng tủ” có thể vận dụng vào bài. Bởi có rất nhiều bạn thường “không biết bắt đầu từ đâu” nên viết mở bài sơ sài, thiếu tính sáng tạo. 

Trong phần thân bài, để đạt điểm cao, thí sinh bám sát yêu cầu đề bài ví dụ như phân tích nhân vật A cần tập trung vào nhân vật A, phân tích nghệ thuật cần tập trung đưa ra sự độc đáo trong nghệ thuật bằng việc lấy dẫn chứng, minh họa. 

Tránh lối viết lan man, dài dòng, lạc đề, phân tích những nội dung không đúng trọng tâm câu hỏi. Nếu muốn được điểm cao, thí sinh có thể lấy dẫn chứng, so sánh bằng sự hiểu biết của mình như việc trích dẫn câu nói, trích dẫn nội dung tác phẩm khác… để bài viết có chiều sâu. 

 

KỸ NĂNG LÀM BÀI MÔN TIẾNG ANH

Đề thi môn Anh có 2 phần là:

– Phần 1 (50% số điểm) bao gồm: ngữ âm (phonetics) 4 câu, giao tiếp (speaking) 2 câu, ngữ pháp (grammar) 9 câu, từ vựng (vocabulary) 10 câu. 

– Phần 2 (50% điểm) bao gồm: đọc hiểu (reading) 17 câu, viết (writing) 4 câu, tìm lỗi sai (error identification) 4 câu.

Các bạn học sinh lưu ý cần đọc qua đề bài 1 lượt thật nhanh để xác định độ khó và phạm vi kiến thức của bài. Hãy bắt đầu bằng những câu mình chắc chắn làm đúng, sau đó mới dành thời gian cho những câu hỏi khó hơn. 

Lưu ý cách tô trắc nghiệm đúng quy định

Chiến lược làm bài thi trắc nghiệm: 

– Có thể vận dụng kỹ năng loại trừ nếu vào câu hỏi khó. Tức là trong 4 đáp án, hãy bỏ qua đáp án khó hiểu nhất hoặc chưa nhìn thấy bao giờ. Sau đó dần dần suy luận những đáp án còn lại xem đâu là đáp án có % đúng cao nhất.

– Những câu hỏi phát âm, hãy phát âm thành tiếng vừa phải, không được khoanh vội vàng nếu chưa chắc chắn. Hãy nghĩ lại những đoạn hội thoại hoặc các chi tiết trong phim ảnh, ca nhạc… liên quan, có thể bạn sẽ dần nhớ ra điều gì đó.

– Nắm vững 1 số những câu trúc câu phổ biến để áp dụng vào làm luôn, không mất thời gian nghĩ lại hay phân vân. 

– Nếu có nhiều câu không làm được, hãy áp dụng cách khoanh “lụi”, tức là nhóm các câu lại sau đó chia ra khoanh đều cho các đáp án A, B, C, D. Tuyệt đối không để trống bất kỳ câu hỏi nào.

Những kỹ năng giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT môn Văn và Anh trên đây chắc chắn sẽ giúp được rất nhiều bạn học sinh trong giai đoạn nước rút chuẩn bị bước vào kỳ thi thật. Chúc các bạn có một kỳ thi thành công.