Tiếng là gì? 2 cách phân biệt tiếng và từ cực đơn giản

Tiếng là gì? Từ là gì? Hai khái niệm này tưởng như quá quen thuộc với chúng ta nhưng vẫn có không ít người bị nhầm lẫn. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ ràng hơn về khái niệm từng loại cũng như cách phân biệt cực dễ dàng. Cùng đi khám phá nhé!

TIẾNG LÀ GÌ?

Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ. Tiếng có thể có nghĩa rõ ràng hoặc có nghĩa không rõ ràng. 

Đặc điểm của tiếng:

– Tiếng do ba bộ phận: âm đầu, vần, thanh tạo thành.

–  Tiếng nào cũng bắt buộc phải có vần và thanh. Bộ phận âm đầu không bắt buộc phải có mặt.

–  Thanh ngang không đánh dấu khi viết, còn các thanh khác đều được đánh dấu ở phía trên. Riêng dấu nặng đặt phía dưới.

TỪ LÀ GÌ?

Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa được dùng để đặt câu.

Từ gồm có 2 loại:

– Từ do 1 tiếng có nghĩa tạo nên gọi là từ đơn. Ví dụ: ăn, uống, chạy, nhảy…

– Từ do 2 hoặc nhiều hơn những tiếng ghép lại tạo thành nghĩa chung thì gọi là từ phức. Mỗi tiếng trong từ phức có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Ví dụ: ăn uống, chạy nhảy…

CÁCH PHÂN BIỆT TIẾNG VÀ TỪ

Để tách một câu thành từng từ, ta phải chia câu đó thành từng phần có nghĩa sao cho được nhiều phần nhất, tức là chia cho đến phần nhỏ nhất. Vì nếu chia câu thành từng phần có nghĩa nhưng chưa nhỏ nhất thì phần đó rất có thể là 1 cụm từ chứ chưa phải là 1 từ.

Dựa vào tính hoàn chỉnh về cấu tạo và nghĩa của từ, ta có thể xác định được 1 tổ hợp từ nào đó là 1 từ (từ phức, từ ghép) hay là 2 từ đơn bằng cách xem xét tổ hợp ấy về cả 2 mặt: kết cấu và nghĩa.

Cách 1: Nếu quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp đó mà lỏng lẻo, dễ tách rời, có thể xen thử 1 tiếng khác từ bên ngoài vào mà nghĩa của tổ hợp vẫn không thay đổi thì tổ hợp ấy là 2 từ đơn.

Ví dụ:

– Tung cánh thử xen vào là tung đôi cánh vẫn có nghĩa.

– Lướt nhanh thử xen thêm từ vào là lướt rất nhanh cũng vẫn có nghĩa.

Hai tổ hợp trên đã thêm một tiếng vào giữa, nhưng nghĩa các từ này về cơ bản không thay đổi, do đó hai tổ hợp tung cánh và lướt nhanh là kết hợp của 2 từ đơn.

Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa các tiếng bên trong tổ hợp mà chặt chẽ, khó có thể tách rời và đã tạo thành một khối mang tính cố định thì tổ hợp ấy là 1 từ phức.

Ví dụ:

– Tổ hợp chuồn chuồn nước, nếu thử chèn thêm là chuồn chuồn sống ở nước thì nghĩa đã bị thay đổi khá nhiều.

– Tương tự từ mặt hồ sang mặt của hồ cũng như vậy.

Khi ta chèn thêm những tiếng sống và của vào, cấu trúc và nghĩa của 2 tổ hợp trên bị phá vỡ, do đó tổ hợp chuồn chuồn nước và mặt hồ là từ phức.

Cách 2: Xét xem trong tổ hợp có yếu tố nào đã chuyển nghĩa hay bị mờ nghĩa gốc hay không.

Ví dụ: bánh dày (là tên 1 loại bánh); áo dài (tên 1 loại trang phục) đều là 1 từ vì các yếu tố dày, dài đã bị mờ nghĩa, chỉ còn là tên gọi của 1 loại bánh, 1 loại trang phục, chúng kết hợp chặt chẽ với các tiếng đứng đằng trước để tạo thành 1 từ.

Chú ý:

Khả năng dùng 1 yếu tố bên trong thay cho cả tổ hợp cũng là cách để chúng ta xác định đây là từ hay là tiếng.

Ví dụ:

– Cánh én (chỉ toàn bộ con chim én).

– Tay người (chỉ một con người).

VÍ DỤ VỀ TỪ

TiếngÂm đầuVầnThanh
BầuBâuhuyền
ThươngThươngngang

BÀI TẬP MINH HỌA

Bài 1: Giải câu đối chữ

Bớt đầu thì bé nhất nhà

Đầu đuôi bỏ hết hóa ra béo tròn

Để nguyên mình lại thon thon

Cùng cậu trò nhỏ lon ton tới trường

(Là chữ gì)

Trả lời:

Đó là chữ “bút”, bớt ” b” thì thành “út” ( nhỏ nhất nhà), bỏ b và t (đầu đuôi) thì thành “ú” (béo tròn). Chữ bút thỏa mãn những yêu cầu câu đố đưa ra.

Bài 2: Ghi lại từng cặp tiếng bắt vần với nhau trong khổ thơ sau. So sánh các cặp tiếng ấy xem cặp nào có vần giống nhau hoàn toàn, cặp nào có vần giống nhau không hoàn toàn :

                 Chú bé loắt choắt

                  Cái xắc xinh xinh

                  Cái chân thoăn thoắt

                  Cái đầu nghênh nghênh

                                (Tố Hữu)

Đáp án:

Có hai kiểu bắt vần là bắt vần hoàn toàn và bắt vần không hoàn toàn.

Lời giải chi tiết:

 + Các cặp tiếng bắt vần với nhau: choắt – thoắt

+ Cặp có vần giống nhau hoàn toàn: choắt – thoắt (vần oăt)

+ Cặp có vần giống nhau không hoàn toàn: xinh – nghênh (vần inh – ênh)

Chắc hẳn qua bài viết này bạn đã nắm được cụ thể khái niệm Tiếng là gì, Từ là gì, cách phân biệt và sử dụng chúng trong các hoạt động giao tiếp thường ngày rồi phải không? Nếu bạn có thêm những băn khoăn về chủ đề này hãy comment ngay dưới bài viết để được giải đáp nhé!