Tức nước vỡ bờ: Tóm tắt nội dung – Học nhanh trong 10 phút

Tức nước vỡ bờ là tác phẩm cực kỳ nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố. Tác phẩm này đã xuất hiện rất nhiều trong các đề kiểm tra, đề thi cuối năm, đề thi tốt nghiệp. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng xem qua những nội dung cơ bản nhất của tác phẩm này nhé.

TÁC GIẢ TỨC NƯỚC VỠ BỜ

– Tác giả Ngô Tất Tố sinh năm 1893, mất năm 1954

– Quê quán: làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội)

– Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác

   + Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo và viết cho tờ An Nam tạp chí. Ông sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo…

   + Những tác phẩm tiêu biểu: Lều chõng, Việc làng, Đề Thám…

– Phong cách sáng tác đặc biệt: Ông được đánh giá là nhà văn xuất sắc của trào lưu văn học trước Cách mạng, thơ văn của ông mang đậm dấu ấn hiện thực,chất liệu là những vấn đề cuộc sống người nông dân trong xã hội phong kiến, ở đó luôn có sự bế tắc không lối thoát và niềm khao khát được sống trong mọi hoàn cảnh.

TÁC PHẨM TỨC NƯỚC VỠ BỜ

1. Hoàn cảnh sáng tác

– Đoạn trích Tức nước vỡ bờ được trích từ chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn- tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố.

2. Tóm tắt nhanh

 Chỉ vì đóng thiếu một suất sưu (thuế) cho người em trai đã mất mà anh Dậu bị bọn cai lệ bắt trói, bị đánh đập đến ngất đi như một xác chết, sau đó được khiêng về nhà. Sáng sớm hôm sau, khi anh Dậu còn đang cố húp bát cháo thì tên cai lệ và binh lính của lí trưởng sấn sổ định bắt trói anh. Chị Dậu đã hết lời van xin nhưng bọn chúng nhất quyết không buông tha, còn chửi mắng và đánh đập chị. Tức nước vỡ bờ, không thể chịu được nữa, chị vùng lên đánh ngã tên cai lệ và người nhà lí trưởng.

DÀN Ý PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

a. Tình thế gia đình chị Dậu

– Nguy ngập, khốn cùng, lâm vào bước đường cùng không có lối thoát:

   + Thiếu sưu, nhà không còn của cải đáng giá trong khi xuất sưu đấy vốn là xuất sưu của người chết

   + Vì khốn cùng nên đã bán 1 đứa con gái, 1 ổ chó, 2 gánh khoai để nộp suất sưu cho em chồng. Nhà không còn gì, con đói, gia đình vào cảnh khốn cùng.

   + Anh Dậu bị bệnh, bị đánh trói đến ngất, mãi sau khi chúng trả về, anh mới tỉnh lại và người bị thương nặng.

   + Bọn tay sai đến ép chị Dậu đốc thúc nộp sưu bằng cách dọa đánh tiếp anh Dậu, đánh đập chị Dậu

⇒ Diễn tả sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc, yêu thương của nhà văn với tình cảnh cơ cực, bế tắc của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến.

b. Nhân vật cai lệ

– Thái độ: hống hách, ta đây, khinh thường người nghèo

– Ngôn ngữ: hách dịch, kém văn hoá, thô thiển

– Ngoại hình: gầy còm, dặt dẹo

– Hành động: đi thúc sưu và luôn đem theo “roi song, tay thước, dây thừng”, đánh trói người vô tội vạ, không ngần ngại đánh cả phụ nữ.

⇒ Thông qua việc miêu tả lối hành xử của cai lệ, nhà văn tố cáo, lên án bộ mặt tàn ác, bất nhân của một tầng lớp quyền lực của xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời. 

c. Nhân vật chị Dậu

– Là người vợ khốn khổ nhưng luôn yêu thương chăm sóc chồng chu đáo

– Nhẫn nhục van xin tên cai lệ và người nhà lý trưởng để chồng không bị hành hạ

– Dũng cảm, khỏe mạnh và đã vùng lên đấu tranh, đánh ngã bọn cai lệ bất nhân, vô lương tâm

⇒ Tác giả thể hiện sự chung thủy, chịu thương chịu khó, đặc biệt là tinh thần phản kháng mãnh liệt, khát vọng sống vươn lên của những người nông dân vốn hiền lành, chất phác.

Trên đây là bài soạn Tức nước vỡ bờ, bài soạn tóm tắt nội dung chính giúp các bạn học nhanh tác phẩm trong vòng 10 phút tiết kiệm thời gian. Chỉ cần nắm được những ý chính trên đây, các bạn có thể áp dụng làm được hầu hết những câu hỏi liên quan đến việc phân tích tác phẩm này. Chúc các bạn học tốt.