Điểm chuẩn ngành Y khoa có những biến động gì trong 5 năm qua?
Năm 2017 điểm chuẩn ngành Y khoa giữ mức cao kỷ lục, sau đó bất ngờ giảm mạnh vào năm 2018 rồi lại tăng dần vào những năm sau. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành Y nhiều trường có sự giảm nhẹ.
Cả nước ta có khoảng 30 trường đại học đào tạo ngành Y, bao gồm cả công lập và tư thục. Trong số các trường này, Đại học Y Hà Nội và đại học Y dược TP HCM là hai ngôi trường hàng đầu và lấy điểm thi cao nhất cả nước.
Thông thường mỗi năm trường Đại học Y Hà Nội chỉ lấy chỉ tiêu khoảng 500 cho cả hai cơ sở ở Thanh Hóa và Hà Nội. Tại cơ sở chính Hà Nội, trường chỉ lấy 80 chỉ tiêu qua phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp cùng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và 320 chỉ tiêu chỉ xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp. Điểm chuẩn năm ngoái của trường tại cơ sở chính Hà Nội xét tổ hợp B00 (gồm có Toán, Hóa, Sinh) là 28.85 cao nhất trên cả nước. Với mức điểm này, các thí sinh không được cộng điểm ưu tiên cần phải đạt trung bình hơn 9.6 điểm mỗi môn.
Theo thống kê phổ điểm thi tổ hợp B00 năm 2021, cả nước có tới 242 thí sinh đạt số điểm từ 29 trở lên. Trong khi đó chỉ tiêu là 320, có hàng chục em được tuyển thẳng trường nhờ đạt giải quốc tế, giải quốc gia, và bên cạnh đó cũng có nhiều thí sinh trúng tuyển nhờ có điểm ưu tiên.
Mức điểm chuẩn 28.85 cao tuy nhiên chỉ là mức điểm cao thứ 3 của Đại học Y Hà Nội trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021. Năm 2017, trường Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn tới 29.95 điểm. Năm 2020 là 28.9. Có năm thấp nhất trong giai đoạn này là năm 2018 với số điểm là 24.75 điểm. Mức điểm mỗi năm sẽ phụ thuộc nhiều vào độ khó, sự phân hóa mức độ bài thi từng năm do chỉ tiêu vào ngành của trường khá ổn định.
Sự tăng giảm điểm chuẩn qua các năm của trường Y Hà Nội hoàn toàn đồng nhất với các trường đại học Y khác. Ví dụ như trường Đại học Y Dược TP HCM – là trường có điểm chuẩn cao thứ 2 cả nước, điểm chuẩn năm ngoái cũng có sự biến động tương tự.
Năm 2017, Đại học Y Dược TPHCM có điểm chuẩn bằng với Y Hà Nội 29.25 và 1 năm sau điểm cũng hạ xuống chỉ còn 24.95 và lại tăng dần lên 28.45 năm 2020, 28.2 năm 2021.
Dưới đây là điểm chuẩn ngành Y trong 5 năm của 7 trường. Năm ngoái lấy 29 điểm, tức là 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Như đã thấy trên biểu đồ, điểm chuẩn năm 2017 của các trường rất cao, sau đó giảm nhiều vào năm 2018 và lại tăng dần sau đó. Năm 2021 điểm của nhiều trường giảm nhưng Khoa Y đại học quốc gia TP HCM và đại học Y dược Cần Thơ lại tăng. Điểm trúng tuyển năm ngoái của 2 trường là 27.15 và 27.
Ngoài ra có 10 trường khác lấy điểm đầu vào năm 2021 từ 25 đến dưới 27 với tổ hợp B00. Đây đều là các cơ sở giáo dục công lập. Điểm chuẩn trong 5 năm qua cũng có biến động tương tự như nhóm trường dẫn đầu.
Về các trường tư thục, có khoảng 10 trường đào tạo ngành Y khoa. Trong nhóm 10 trường này chỉ có 3 trường năm ngoái lấy điểm chuẩn trên 22 điểm gồm có Đại học Nguyễn Tất Thành ở TP HCM với 24.5 điểm, Đại học Buôn Ma Thuột 24 điểm, Kinh doanh và công nghệ Hà Nội 23.45 điểm. Đây là mức điểm cao nhất trong 5 năm qua với từng trường.
Các trường có ngành Y còn lại gồm có Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại Nam (Hà Nội), Võ Trường Toản (Hậu Giang), Tân Tạo (Long An), Phan Châu Trinh (Quảng Nam), Nam Cần Thơ (Cần Thơ), Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) lấy 22 điểm – mức điểm tiêu chuẩn tối thiểu để vào ngành Y khoa theo Bộ giáo dục và Đào tạo.
Năm 2022 sẽ có thêm trường tư thục Phenikaa tại Hà Nội cũng sẽ tuyển sinh ngành Y khoa.
Ngày 29/7 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm sàn đầu vào khối ngành sức khỏe. Trong đó có ngành Y khoa với mức 22 điểm, bằng so với 2 năm trước. Từ nay đến 20/8 các thí sinh tiến hành đăng ký, điều chỉnh xét tuyển nguyện vọng vào đại học trên hệ thống chung của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Hy vọng bài viết trên giúp các bạn thí sinh có thêm thông tin tham khảo hữu ích để chọn trường và ngành phù hợp, nâng cao khả năng trúng tuyển vào đại học Y. Chúc các bạn sớm trở thành tân sinh viên vào ngành học mà mình yêu thích nhé!